Lỡ thời
Dù được đánh giá cao khi mới xuất hiện, nhưng trận lụt lịch sử ở Thái Lan cuối năm 2011 đã lấy đi cơ hội tỏa sáng của ổ cứng di động. Bởi thời điểm đó, Thái Lan là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu ổ cứng với sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn như Western Digital, Seagate và Toshiba. Do đó, trận lụt lịch sử khiến giá ổ cứng, trong đó có ổ cứng di động tăng gấp đôi trong thời gian dài khiến thiết bị này trở nên đắt đỏ so với khả năng chi trả của nhiều người.
Trong thời gian đó, USB và thẻ nhớ đã có những bước tiến vượt bậc về dung lượng lưu trữ, còn giá bán cũng ngày càng hợp lý hơn. Với những người cần lưu trữ lớn, họ có thể tìm mua thẻ SD 64GB với giá khoảng 50 USD hay 128GB có giá bán 150 USD. Nếu có nhu cầu lưu trữ lớn hơn, người dùng có thể tìm mua thẻ nhớ dung lượng 256GB. Trong khi đó, giá bán USB 128GB (tùy thương hiệu và tính năng) cũng chỉ dao động trong tầm giá 50-120 USD.
Trong khi đó, ngay cả những người chơi HD hay nhạc Lossless thường sử dụng máy tính để bàn cũng chỉ mua ổ di động để trung chuyển dữ liệu, nên ít khi sắm nhiều hơn một ổ. Thậm chí, với nhiều người, thiết bị lưu trữ vật lý dần trở nên lỗi thời trước xu hướng điện toán đám mây. Nếu chỉ cần lưu trữ vài chục hay vài trăm MB, người dùng chỉ việc đưa “lên mây”. Sau đó, có thể tải xuống hoặc chia sẻ cho những người có kết nối Internet, không cần quan tâm đến yếu tố địa lý. Bởi giờ đây, điện toán đám mây không chỉ là Dropbox, Google Drive hay các dịch vụ lưu trữ trực tuyến tương tự mà người dùng có thể tự tạo máy chủ lưu trữ riêng khi mua ổ dạng NAS (Network Attacked Storage/ổ cứng nối mạng) để tăng khả năng tự chủ và bảo mật.
Vấn nạn hàng dởm
Sự thất thế của ổ cứng di động không chỉ do bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường mà còn vì vấn nạn ổ cứng di động “dởm” đến từ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng như không ít nhà sản xuất.
Đến tháng 3/2012, trào lưu mang ổ cứng di động đi bảo hành nở rộ tại Việt Nam. Các ổ cứng di động từ bình dân đến cao cấp mang thương hiệu Seagate, Western Digital, Hitachi cũng có mặt trong trào lưu này. Trong thời gian dài, người dùng có thể đem sản phẩm đến đổi với phí 100-200 nghìn đồng/chiếc chỉ với yêu cầu vỏ, hộp còn mới và nguyên vẹn.
Điểm chung của các thương hiệu này là tự sản xuất ổ cứng gắn trong. Không lâu sau đó, Seagate và Western Digital đã giảm thời gian bảo hành ổ cứng gắn trong xuống một năm, trong khi ổ cứng di động vẫn là hai năm. Thực trạng này dễ khiến người dùng nghi ngờ chất lượng ổ cứng của các thương hiệu này không đồng đều giữa các dòng sản phẩm. Trong khi đó, các thương hiệu ổ cứng di động khác như Lacie hay Buffalo thường mua lại ruột ổ cứng gắn trong của các nhà sản xuất khác rồi tự thiết kế vỏ với thời gian bảo hành ít hơn. Đến đây, câu hỏi lớn mới thực sự được đặt ra: Phải chăng nhiều thương hiệu và cửa hàng tư nhân tận dụng ổ cứng cũ để làm ổ cứng di động?
Gần đây, nguồn cung ổ cứng đã bình thường trở lại, nên tình trạng trên có phần giảm bớt. Nhưng một số đơn vị, cá nhân vẫn muốn kinh doanh theo cách này do thu được lợi nhuận cao. Vì thế, họ đã tìm cách tự làm ổ cứng di động. Các hãng có kỹ thuật, máy móc để sửa lại ổ cứng bên trong thường tìm mua ổ ở tình trạng sập sệ hay bóc ra từ các máy tính xách tay cũ để chế thành ổ như mới. Vậy nên, ngay cả vỏ những ổ dựng này cũng không chắc chắn, thường bị lắp lệch, ốc vít cũ và bôi keo nham nhở.
Tuổi thọ của ổ cứng cơ học dùng trong ổ cứng di động khá “hên xui”. Nhiều ổ có thể sử dụng đến chục năm chẳng có vấn đề do thiết bị này thường hỏng do va đập, ít khi bị bad sector (lỗi vùng vật lý cấp nhỏ nhất trên đĩa cứng). Một số cửa hàng gom ổ cứng bị bad sector cắt phân vùng lưu trữ bị lỗi và tiếp tục sử dụng. Cách này có thể kéo dài thời gian sống của ổ cứng, nhưng tốc độ sử dụng sẽ chậm rì.
Những kẻ kinh doanh ổ cứng di động dởm đã lợi dụng tâm lý ham của rẻ của người Việt để bán cho họ. Mánh chung của họ là giảm giá bán 10-20% so với giá chính hãng thông qua chương trình khuyến mại xả hàng tồn kho, nhưng cũng giảm thời gian bảo hành xuống còn 3-6 tháng với lý do “trôi bảo hành”. Hơn nữa, nhiều người cũng thường ngại đem bảo hành những sản phẩm giá trị không quá cao hay đã sử dụng một thời gian.
Chỉ cần dạo qua các diễn đàn công nghệ trực tuyến, chúng ta dễ dàng bắt gặp những lời rao mua ổ cứng cũ, thậm chí hỏng. Theo anh Tuấn Anh, những ổ cứng di động tân trang dạng này thường được lắp ghép linh kiện còn dùng được lấy ra từ những ổ đã hỏng, thậm chí đã sử dụng vài năm. Do đó, dù có tiếp tục dùng cũng chỉ được 5-6 tháng. Nhiều ổ cứng di động tân trang sử dụng chip cũ, nên dễ bị cháy chip. Trường hợp này chắc chắn sẽ bị từ chối bảo hành, cho dù mới sử dụng.
Tuy nhiên, với ổ cứng di động, mọi việc sẽ khó khăn hơn. Do ở bên ngoài đã có lớp vỏ bảo vệ, nên người dùng có thể sử dụng phần mềm miễn phí như CrystalDiskInfo để kiểm tra xem ổ cứng bên trong đã được sử dụng bao lâu. Nếu thời gian sử dụng trên vài giờ, thì đó là ổ cũ. Bên cạnh đó, có thể kết hợp kiểm tra xem vỏ ngoài có khít không, có dấu hiệu sử dụng hay cạy mở không.
Chỉ là giải pháp lưu trữ phụ trợ, ổ cứng di động gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều giải pháp lưu trữ khác để chiếm lĩnh thị phần. Trong thế khó đó, việc để lọt các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái trộn lẫn với hàng thật càng khiến ổ cứng di động khó có thể thăng hoa tại thị trường Việt Nam.