Đang làm phó giám đốc sở Thể dục – Thể thao tỉnh Bình Định, tự dưng ông nghỉ ngang để đi “lang bạt” nghiên cứu võ học cổ truyền. Không ai hỗ trợ, chẳng ham lợi danh, 12 năm trời ông khoác ba lô “đơn thương độc mã” trên mọi nẻo đường. Để rồi mọi cống hiến của ông đã được ghi nhận, được nhiều người tôn vinh là người giữ hồn võ học cổ truyền Việt Nam.
“Từ quan” để làm việc xưa nay hiếm
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng võ sư Phạm Đình Phong (SN 1952, quê Bình Định, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn một mình “lang bạt” trên khắp nẻo đường. Thuở nhỏ ở Bình Định, ông Phong vì ham học võ, nhà lại khó khăn nên cứ chiều tối là ông len lén nhìn trộm các võ sinh trong lớp học. Sau này, các thầy thấy ông ham võ thì thương rồi nhận ông vào dạy học. Trước năm 1975, ông theo một số sư phụ giỏi văn, giỏi võ. Chẳng lâu sau niềm đam mê võ học đã lưu danh ông trong làng võ Bình Định. Ông được các thầy tin tưởng cho làm huấn luyện viên dạy cho những người mới vào học. Sau khi giải phóng đất nước ông được mời ra làm công an. Ông Phong cho biết: “Thời đó họ nói cấm dạy võ cổ truyền, tôi phải vận động mãi họ mới chịu cho dạy. Ngay sau đó tôi tổ chức một trận thi đấu ở sân vận động Quy Nhơn, Bình Định để mừng quân ta đại thắng. Người coi rất đông khiến các vị lãnh đạo mới cho tổ chức thêm nhiều trận đấu khác nữa”.
Ông Phong kể lại quá trình 12 năm “lang bạt”. Ảnh H.M.
Nhờ năng nổ trong công tác võ thuật, nên chỉ ít năm sau ông Phong đã tác động khiến võ cổ truyền Bình Định có bước phát triển vượt bậc. Năm 1997, ông được UBND tỉnh Bình Định, giao cho chủ nhiệm kiêm chủ biên đề tài khoa học về võ thuật Bình Định. Từ đó ông bắt đầu bỏ lại nhiều thứ, xách ba lô lên và đi sưu tầm. Bốn năm sau đề tài của ông hoàn thành và được đánh giá cao từ lãnh đạo tỉnh. Ông Phong kể lại: “Cứ tỉnh nào có đầu mối võ thuật Bình Định mà tôi tìm được thông tin là tôi tìm tới. Có khi tới nơi họ đã mất, có chỗ thì họ đã chuyển đi chỗ khác tôi lại lặn lội đi đến tận nơi, nhiều khi tới nơi họ cũng mới mất vài tháng, lớp con cháu sau này thì không biết gì về võ của ông bà. Hơn nữa các võ sư cao niên gần như đã qua đời hết. Tôi cứ tìm mãi như thế và mới phát hiện ra một điều rằng các cứ liệu lịch sử, hiện vật về võ học Việt Nam bị tiêu hủy, thất lạc và biến mất quá nhanh”.
Chính vì sự lo sợ trước nền võ học cổ truyền dân tộc bị mai một, ông Phong quyết định từ bỏ những chức tước cao để chuyên tâm cho sưu tầm nghiên cứu. Thời điểm năm 2000, ông Phong đang còn đương nhiệm chức Phó giám đốc sở Thể dục – Thể thao (nay là sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tỉnh Bình Định cùng một vài chức vụ khác. Sau nhiều tháng dằn vặt, chịu áp lực từ phía gia đình ngăn cản nhưng ông Phong vẫn quyết định thôi chức Phó giám đốc Sở để đi tìm “hồn võ” cổ truyền của dân tộc. Ngay khi thôi chức, ông xin vào miền Nam sinh sống vì ông nghĩ rằng đây là khu vực tập trung nhiều phái võ cổ truyền xưa do chiến tranh loạn lạc. Ngay khi vào TP.HCM ông xin vào trường đại học TDTT 2 để giảng dạy võ thuật. Tuy nhiên cũng chẳng được bao lâu, cái máu ngao du với niềm đam mê võ thuật lại thôi thúc ông lên đường. Thấy không thể chuyên tâm cho công việc ở trường đại học vì ông thường xuyên phải đi nghiên cứu võ học, ông xin nghỉ.
Năm 2001, ông xin vào làm báo Thể dục Thể thao vì nghĩ rằng làm báo không gò bó thời gian, lại chuyên tâm với mảng đề tài của mình. Trong vòng 12 năm liên tiếp, ông lăn lộn trên các nẻo đường, có nơi ông dừng chân cả tháng trời để tìm cứ liệu võ thuật. Ông Phong cho biết: “Tôi đi khắp, từ vùng cao đến vùng sâu, uống nước suối ăn mì tôm cái gì cũng trải qua. Tuy nhiên, thời điểm đó dường như ý chí của tôi nó che mờ tất cả mệt nhọc, tuổi tác. Thành thử tôi cứ đi và làm hết sức, cho đến năm 2009 thì mới đổ bệnh. Hết 9 tháng sau tôi mới vượt qua khổ ải do bệnh tật gây nên. Tôi cứ tưởng là mình phải dừng lại tất cả công trình, tôi đã rất buồn. Ngay khi khỏi bệnh, tôi lập tức lên đường và miệt mài tìm kiếm cho đến năm 2012 thì cơ bản hoàn thành công việc nghiên cứu võ học cổ truyền Việt Nam. Ngày 17/6/2012 tôi ra cuốn sách… Tuy chưa ưng bụng nhưng tôi ra thời điểm đó để khẳng định với thế giới rằng Việt Nam cũng có một nền võ học vĩ đại”.
Bằng xác lập kỷ lục cho võ sư Phong. Ảnh H.M.
Đơn thương độc mã
Người giữ hồn võ ViệtĐã rất nhiều người khẳng định ông Phong là người giữ được hồn võ Việt qua cuốn sách lịch sử võ học Việt Nam. Riêng bản thân vị võ sư khiêm nhường thì chỉ nhỏ nhẹ: “Tôi chỉ có một tấm lòng, cống hiến và cống hiến. Để qua đó tôi còn giữ, còn bảo tồn lại một chút vốn văn hóa thiêng liêng của dân tộc Việt. Tôi chỉ mong sao chính phủ để ý quan tâm để nền võ thuật vĩ đại của Việt Nam không bị mai một”. |
Theo ông Phong thì trước khi tự anh mò nghiên cứu ông đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng không được giúp đỡ. Bởi thế, thay vì mục đích của ông Phong là nghiên cứu thêm vài năm nữa, nhưng ông lại sợ thêm vài năm thì cũng chậm mất một quãng thời gian. Nghĩ thế ông Phong liền quyết định ra cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam” để “níu chân” những người đam mê võ học dân tộc. Vị võ sư “lang bạt” không chỉ không được sự hỗ trợ của giới chức, lúc đầu gia đình ông còn rất buồn và ra sức ngăn cản.
Thậm chí, một số bạn bè không hiểu thì cho rằng ông “gàn dở”. Người ta nói với ông rằng thời đại này là người ta đi kiếm chức kiếm quyền để có tiền, đằng này ông lại bỏ đi để chạy theo cái mục đích chẳng đâu vào đâu. Ngay cả bây giờ ông Phong cũng bị nói là “gàn dở”, nhưng theo ông thì “nghĩ cuộc đời mình sống chẳng bao lâu, sống có ích lợi cho đất nước, cho dân tộc thì tôi sẵn sàng hy sinh những bổng lộc phù phiếm. Tôi không hề hối hận, không luyến tiếc. Đó có lẽ cũng là số mệnh của tôi”.
Ngay sau khi tự ra sách, ông Phong mới nhận được sự giúp đỡ. Ông Phong cho biết: “Từ anh em báo chí, dư luận trong nước, ngoài nước đón nhận nồng nhiệt, nhất là người Việt ở nước ngoài. Do đó chưa đầy nửa năm thì sách đã bán được một ngàn cuốn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của Việt Nam kêu tôi là đã làm được một việc kỷ lục bởi chưa có cuốn sách nào viết lịch sử mà bán được nhiều như thế. Tôi lấy số tiền từ bán sách đó đem làm từ thiện cho các trẻ em nghèo, cho các gia đình võ cổ truyền nghèo…”.
Ông Phong chia sẻ thêm: “Mặc dù cô đơn với công trình nghiên cứu, nhưng tôi đi đến đâu cũng được các dòng tộc giỏi văn võ ủng hộ, giúp đỡ cung cấp tư liệu quý giá. Nhiều người trước khi qua đời còn nhắn nhủ con cái họ nói với tôi là cố nghiên cứu, sưu tầm viết sách nói rõ truyền thống oai hùng của dân tộc Việt. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm cũng như truyền bá võ thuật cổ truyền rộng rãi hơn. Khi ra sách tôi cũng được nhiều đơn vị tài trợ phát hành, dịch sang tiếng Anh. Học trò của tôi tại Pháp tài trợ in sang tiếng Pháp để quảng bá bên đó. Đây là những niềm an ủi rất lớn mà tôi rất cảm kích. Tuy nhiên, để nền võ thuật cổ truyền của dân tộc phát triển tôi sẵn sàng chuyển nhượng bản quyền cho Chính phủ và các cơ quan ban ngành để sử dụng truyền dạy, quảng bá”.
Theo Người Đưa Tin