Tại sao nạn nhân của tội phạm hiếp dâm chỉ có thể là nữ giới?
Cấu thành tội phạm của Tội hiếp dâm có nội dung như sau:
- Về mặt khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan là sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc sử dụng các thủ đoạn khác như sử dụng thuốc mê, thuốc ngủ, thuốc kích dục… và giao cấu trái ý muốn với nạn nhân.
- Về mặt chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức, có khả năng kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mình, nhìn thấy được hậu quả có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Mục đích của người phạm tội là nhằm thỏa mãn dục vọng hoặc ham muốn nào đó của bản thân.
- Chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm hiếp dâm có thể là nam hoặc nữ, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một điều đặc biệt đối với tội phạm này là nữ giới chỉ có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong vụ đồng phạm với vai trò là người giúp sức, chủ mưu hoặc xúi dục mà không thể là người thực hành. Đặc biêt pháp luật Việt Nam hiện nay không ghi nhận nạn nhân của tội phạm này là nam giới.
- Khách thể của tội phạm.
Tội phạm hiếp dâm xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, cụ thể hơn là xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc không quy định nạn nhân của tội phạm hiếp dâm là nam giới là một vấn đề bất cập; tình huống giả thiết đặt ra là nam giới bị xâm phạm tình dục thì xử lý như thế nào?
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hay các văn bản pháp luật quốc gia đều ghi nhận nam, nữ bình đẳng trong mọi quan hệ pháp luât. Tuy nhiên, các vụ hiếp dâm xảy ra từ trước đến nay nạn nhân luôn là nữ giới; đồng thời pháp luật không ghi nhận trường hợp ngược lại. Điều này vô hình chung đã thừa nhận rằng việc giao cấu trái ý muốn hay xâm phạm tình dục mà nạn nhân là nam giới không được coi trọng và bảo vệ như nạn nhân là nữ giới. Nếu nói là vì hậu quả của việc xâm phạm tình dục đến nữ giới nặng nề hơn với nam giới thì hẳn là quá chủ quan, vì chẳng có căn cứ nào để khẳng định như vậy. Có chăng là do ảnh hưởng của quan niệm truyền thống về “chữ trinh” của người phụ nữ. Nói như vậy không có nghĩa là “trinh tiết” của người phụ nữ hiện nay không được coi trọng mà tôi đang muốn nói đến một vấn đề khác, đó là quyền tình dục, “chữ trinh” của người đàn ông. Điều này đang tạo ra sự bất bình đẳng về việc bảo vệ quyền con người của pháp luật Việt Nam, vì sao người phụ nữ được bảo vệ trước hành vi xâm phạm tình dục mà đàn ông lại không?
Trong thời gian vừa qua, đã xảy ra những vụ xâm phạm tình dục mà nạn nhân là nam giới, như vụ hiếp dâm ở Đồng Hới vào tháng 4/2010 nạn nhân là nam giới đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay vụ án ở Nam Thăng Long một nam thanh niên bị ba thanh niên khác cưỡng hiếp và hành hạ suýt mất mạng… Dù ít nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh bảo cho việc có những tội phạm mới và đưa ra những quan hệ mới cần được bảo vệ.
Việc bổ sung nam giới là nạn nhân của tội phạm hiếp dâm, kéo theo với việc sẽ thừa nhận nữ giới có thể là chủ thể thực hành trong một vụ án hiếp dâm. Nhiều người lo sợ rằng việc quy định mới kéo theo thay đổi như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Theo tôi, việc công nhận hay ghi nhận những gia trị cần được bảo vệ sẽ khiến cho các quốc gia khác nhìn thấy được sự tiến bộ, phát triển của luật pháp Việt Nam.
Pháp luật sinh ra nhằm điều chỉnh những mối quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống, qua đó xây dựng một đất nước tiến bộ, phát triển. Để xây dựng một đất nước tiến bộ hay phát triển thì trước tiên cần bảo vệ tốt nhất cho công dân của mình, và đồng thời là bảo vệ một cách đầy đủ và bình đẳng cho các công dân của mình. Do vậy, cần bổ sung nam giới có thể là nạn nhân của tội phạm hiếp dâm .
Nguyễn Thị Thu Trà ( Theo báo công lý )