Nữ trùm giang hồ đất cảng Hải Phòng đã âm mưu dựng kế hoạch khá kỹ lưỡng và chu đáo để giải thoát cho một tử tù khét tiếng vốn là người tình của thị. Các đàn em sát thủ gồm toàn những “anh hùng có số má” trong giới giang hồ của thị với các loại hung khí đã mật phục ở xung quanh trại giam chờ lệnh ra tay. Nhưng không ai đọc trước được chữ ngờ...
Cuộc chạm trán bất ngờ cạnh trại tù
Đây là cuộc gặp hết sức bất ngờ đối với thị. Nhân vẫn vậy. Hầu như nói rất ít, chỉ nhìn thị bằng con mắt giải phẫu. Con người này luôn là điều bí ẩn đối với thị. Dường như anh ta luôn xuất hiện trước những biến cố lớn trong đời thị. Đôi mắt anh ta rất kinh khủng. Thị sợ đôi mắt ấy. Mỗi khi nhìn vào đó, tuổi thơ của thị, những ẩn ức nặng nề mà tinh khôi, những phần đời chật chội khuất lấp, những bóng hình vay mượn, những thăm thẳm hồng hoang thiếu nữ lại len lén tìm về quanh cái vỏ não đã nhuốm máu tội ác của thị.
Đó là lần cuối cùng thị đi kiểm tra lại tình hình để thực hiện kế hoạch cướp tù. Thị và con Mỹ “chột” bắt đầu cho xe chạy từ cổng trại giam. Chạy đến cái ngã ba mà thị tính sẽ chặn xe chuyển tù để cướp Tùng thì thị bảo con Mỹ “chột” dừng lại. Ngó nghiêng một hồi thị lại vẫy tay bảo Mỹ tiếp tục chạy theo hướng đường dẫn ra bờ sông. Vừa nhìn đường thị vừa hình dung các tình huống sẽ xảy ra nếu như cuộc cướp tù diễn biến theo đúng như ý thị.
Đến bờ sông thị xuống xe, để con Mỹ lại đứng chờ, thị đi lên đoạn đê cao nhất, nhìn bao quát một lượt. Rồi thị bước vào cái quán nhỏ nằm bên gốc cây gạo. Quán vắng teo, có mỗi thằng bé con trạc mười tuổi ngồi trông hàng. Trước mặt nó, trên chiếc bàn nhựa bạc mầu có bộ ấm chén cáu bẩn, lèo tèo vài cái bánh đa, mấy phong bánh khảo, hộp kẹo lạc cùng dăm bao thuốc lá. Đầu thị tí nữa thì chạm phải gói thuốc lào treo lủng lẳng ngay cửa quán. Quán dựng lên nơi bờ sông heo hút gió này chắc chỉ để bán cho mấy người làm muối, nuôi tôm, bắt trạch, hoặc trồng cói. Thị chưa kịp nâng chén nước chè nhạt hoe nhạt hoét lên miệng thì Nhân và một người nữa bước vào.
Thị giật mình.
Thảo nào thị thấy có chiếc xe 67 đỗ dưới chân đê. Chắc của Nhân. Lúc đầu Nhân không nhận ra thị vì thị đeo kính râm to bản, choán hết cả khuôn mặt. Giá tránh mặt được thì thị tránh luôn cho khỏi ngại. Nhưng ánh mắt Nhân đã quét một vòng và dừng lại trên khuôn mặt thị. Quán có mình thị là khách, nếu đông hơn có thể đã không khiến Nhân chú ý. Không còn đường lui nữa, thị đành phải hạ kính nhận người quen. “Em vào trại thăm người quen, nực quá, qua đây ngồi nghỉ tí rồi về”.
Tuy lúng túng nhưng thị vẫn nói được một câu khôn ngoan như thế. Dẫu sao thì Nhân cũng đã quá biết thị. Nói dối chỉ càng làm Nhân đặt ra những nghi vấn không cần thiết. Ở đây gần trại giam. Thị lại là dân giang hồ. Cứ nói đi thăm nuôi bạn tù là hợp lý nhất, lại chẳng gây ngờ vực gì cho Nhân. “Lâu lắm rồi em cũng không gặp anh Đinh. Hình như cũng đi trại gì đó ở mãi trong Thanh Hoá. Còn anh thế nào ạ? Bác gái vẫn khoẻ chứ ạ?”.
Nhân chỉ cười và gật đầu. Có lẽ còn có người bạn đi cùng nên Nhân không muốn nói chuyện nhiều. Chờ người bạn hút xong điếu thuốc lào, Nhân mua thêm gói Bông Sen rồi trả tiền đi ngay. Thị thấy hai người đi lên phía bờ đê rồi mất hút sau một con dốc. Thị rất rõ về con người Nhân. Sau khi làm ở Đội hình sự của quận một thời gian, Nhân đã chuyển lên Đội trọng án của thành phố. Hồ sơ lý lịch của thị chắc nằm cả trong ngăn kéo tủ của Nhân rồi.
Nhìn con Mỹ đứng ngoài quán thả khói thuốc phì phèo thị bỗng thấy thèm thèm ở đầu lưỡi. Thần kinh thị như căng ra. Miệng thị nhạt nhẽo. Thị bảo thằng bé con đưa cho thị một điếu thuốc rồi thị châm lửa hút. Rít vài hơi liên tục để lấy lại bình tĩnh, thị tự nhủ mình không được thần hồn nát thần tính. Chưa chi đã vơ lấy những ý nghĩ độc địa vào người. Biết đâu chỉ đơn giản là Nhân vào trại giam tống đạt quyết định cho phạm rồi qua đây hóng gió trời trước khi về lại thành phố, giống như thị đã nói dối rất trơn tru lúc nãy thì sao? Và bây giờ, có lẽ chính Nhân cũng đang đặt ra rất nhiều những giả thiết về thị, rằng thị có mặt ở đây để làm gì, có âm mưu gì với khúc sông này, định thanh toán băng đảng nào, định buôn hàng cấm gì, định mở sòng thu hồ trên con đê này chăng, định đóng tàu đi vượt biên, định thủ tiêu đồng bọn rồi vùi xác phi tang giữa đồng cói kia, hay đúng như thị nói, đi thăm tù rồi nghé đây ngắm sông đón gió trời? Ha, ha... Có gì đâu mà thị phải nghĩ quẩn quanh thế nhỉ?
Phi vụ đổ bể vì tử tù phải ra trường bắn
Tất nhiên khi về nhà thị vẫn kiểm tra lại lần cuối bằng cách gọi tất cả những đệ tử thân tín đến để hỏi han thật cụ thể, thật tỉ mỉ, thật cặn kẽ về công tác chuẩn bị cho phi vụ “động trời” có một không hai của giới giang hồ thành phố này. Tất cả đều có vẻ rất ổn. Không có động thái gì đáng ngờ vực cả. Và ngày hành động đã đến. Thị đích thân có mặt tại ngã ba đường làng để xem bọn đàn em ra tay thế nào. Thị sẽ không nhúng tay vào nếu không cần thiết. Theo như kế hoạch đã phân công, con Mỹ sẽ đưa Tùng ra bến sông. Khi xuồng máy đưa Tùng đi rồi, Mỹ sẽ tìm đường về thành phố. Thị sẽ rút trước đó, ngay khi nhìn thấy Tùng được giải thoát khỏi xe tù. Đám đàn em của thị đều đã vào vị trí. Tên lái xe tải đã cầm vô lăng chỉ chực lao lên phía trước chặn xe tù. Đám đeo kính đen thọc hai tay túi quần đang đi đi lại lại kia, sẵn sàng vung dao và mã tấu giấu sẵn trong những cái bao tải xác rắn vứt rải rác ven đường kia khống chế mấy cảnh sát trại giam đi theo xe tù. Còn trên con đường chạy ra bờ sông mấy thằng xe ôm giả dạng cũng đang chờ đến lúc lao ra cản đường cảnh sát, hỗ trợ cho xe tù chạy ra tới bến sông, nơi có chiếc xuồng máy đang đợi. Cả vũ khí nóng lẫn vũ khí lạnh đều được huy động vào vụ này. Thị cũng đã tính cả rồi. Một liều ba bảy cũng liều. Đến bước đường cùng, nếu cần, cả bọn sẽ lên tàu vượt biển ra đi. Đằng nào thị cũng đã tính đến chuyện thuê tàu đưa Tùng đi. Tùng không đi được thì con tàu đó sẽ đưa thị và đám đàn em trung thành dám xả thân vì nghĩa giang hồ ra khỏi cái đất nước lúc nào cũng ngộp thở đến căng nhức này.
Nhưng mọi sự chuẩn bị của thị đã vô ích.
Cả buổi sáng trôi qua trong sự nóng lòng đến điên đảo của thị mà cánh cửa trại giam vẫn đóng im ỉm. Không có chiếc xe tù nào xuất phát cả. Con Mỹ trực tiếp ngồi ở quán nước, chếch cổng trại giam, chờ đợi cánh cửa nhà tù mở ra, nhưng cổng chính vẫn đóng chặt, chỉ lác đác những sắc cảnh phục qua lại mé cổng phụ. Khi mặt trời nhô lên đằng bờ đê, chiếu ánh nắng gắt gao xuống khúc sông chảy ra cửa biển thì thị hiểu là đã có chuyện gì đó xảy ra với Tùng rồi. Thị cho gọi người kiểm tra lại nguồn thông tin từ trại nhưng không sao liên lạc được với mấy thằng oắt con, vốn là đàn em của thị đang thụ án trong đó. Quá trưa thì tất cả đều oải.
Đến cuối giờ chiều thị mới nhận được thông tin từ trong trại báo ra. “Anh Tùng bị đưa đi từ hôm qua rồi, khu B lại bị cấm trại nên không thể báo tin ra ngoài, chắc họ đã đánh hơi thấy động tĩnh gì đó nên đột ngột thay đổi kế hoạch”. Thị đọc đi đọc lại mẩu giấy từ trại giam gửi ra do con Mỹ mang tới mà tức muốn nổ con mắt. Giải tán ngay! Thị ra lệnh cho đồng bọn rồi lập tức rút về thành phố. Chắc chắn công an chưa nắm được kế hoạch của thị, nếu nắm được họ đã tương kế tựu kế hót luôn cả đám rồi. Nhưng họ đã mơ hồ nhận thấy điều gì đó bất thường. Hoặc giả đám Lân “sói”, Cộc “ba tai” đã cho người phun đểu điều gì đó. Dẫu sao thì kế hoạch cũng đã hỏng, không xử trí nhanh, bại lộ thêm thì lần lượt dắt nhau vào nhà đá. Hoặc nhân cơ hội này bọn Lân “sói” lại ra tay cướp sòng hay đám Cộc “ba tai” nổi điên cướp bãi thì lãnh địa ngầm của thị dễ có nguy cơ mất về tay mấy thằng giang hồ có thẻ đó. Thị bàn với con Mỹ đưa quân về giữ chặt các sòng bạc, bến bãi, tăng cường cảnh giác đồng thời cho người tích cực đi tìm hiểu xem số phận của Tùng được pháp luật định đoạt ra sao?
Chưa đến hai mươi tư giờ sau thì tin dữ bay về. Tùng đã dựa cột. Hoá ra không hề có sự thuyên chuyển nào cả. Họ đã thi hành lệnh tử hình Tùng vào mờ sáng, đúng hôm thị định ra tay cướp tù. Chiều hôm trước họ chuyển Tùng sang phòng giam đặc biệt để sáng hôm sau đưa đi sớm. Người của thị không biết điều này, chỉ nghĩ đơn giản là họ chuyển Tùng sang trại khác.
Vậy là Tùng đã chết thật rồi. Chồng thị đã chết và thị chính thức trở thành góa bụa. Tin Tùng “hê rô” bị bắn khiến cho giới giang hồ thành phố Ngã ba sông xao xác. Đàn em Tùng, người nhà Tùng, bất kể những ai có mối quan hệ làm ăn ngầm với Tùng đều chấn động. Những tiếng thở dài, những cái nhìn ngao ngán, những câu chửi rủa bốc đồng, những gào thét trả thù, những nỉ non thương xót, những bi quan rồ dại… tất cả đều vọng vào thị, cắt cứa, công phá, xô dạt những cảm xúc trong thị. Nhưng thị cố giữ thăng bằng. Thị phải vượt lên trên tất cả những thứ đó. Thị lẳng lặng thắt lên đầu chiếc khăn tang trắng rồi đứng ra lo toan mọi việc hậu sự của chồng. Thị không muốn làm ầm ĩ. Hãy coi đây như là một chuyện tang ma bình thường, chỉ cần đưa xác Tùng về, mồ yên mả đẹp cho Tùng là xong. Không phát tang, không phúng viếng, không phô trương thanh thế, không biểu dương lực lượng, không manh động và tránh va chạm với hết thảy mọi thành phần. Đám ong ve của thị án binh bất động, coi như đó là hành động để tang Tùng.
Nữ hoàng đen vùi mình trong rượu uất
Thị đóng cửa, ở lỳ trong phòng ngủ ba ngày liền. Cứ khi nào thị gọi điện xuống thì vợ Châu lại mang rượu lên. Vợ Châu chỉ dám he hé cửa đưa rượu vào. Lần nào cũng thế, vợ Châu thấy thị ôm chai rượu, ngồi gục bên thành giường, trước mặt là chiếc ly nhỏ rỗng không.
Trên chiếc bàn giữa phòng là tấm ảnh phóng to của Tùng. Thị đốt nhang liên tục, cắm vào bát hương trước ảnh chồng. Căn phòng ngập mùi nhang khói. Thị một mình ngồi uống rượu với Tùng. Thị cứ rót cho mình một ly, đưa lên miệng uống cạn, rồi lại rót vào chiếc ly đã cạn ấy, đặt lên trước ảnh Tùng. Thị giục Tùng uống đi, có uống không, không uống được hả, thì để thị uống. Thế là thị lại dốc ngược cái ly ấy vào miệng mình. Cũng có lần thị đổ ly rượu ấy vào bát nhang, dưới lên những chân hương đỏ tía, hy vọng Tùng có thể nhận được những giọt rượu thơm lừng từ tay thị. Rồi thị lẩm nhẩm nói chuyện với Tùng. Chả biết chuyện gì mà nhiều thế. Rì rầm suốt đêm. Lẩm bẩm suốt ngày. Có lúc thị bật cười khanh khách. Lại có lúc thị xoay mặt đi, im lặng, như hờn như dỗi.
Thị nhìn ảnh chân dung của chồng chán lại lấy bức ảnh đen trắng ở đầu giường ra ngắm. Bức ảnh chụp bốn người: Tùng, Tính “dao mổ”, Châu “điên “và thị. Đó là những tháng ngày thị mới quen Tùng. Đó là chuỗi thời gian rất đẹp của thị. Cả chục năm đã trôi qua. Bốn con người này đã tạo dựng nên một thế lực. Bốn con người này đã có những khoảnh khắc bình yên và sóng gió, đủ đầy và đói khát, tự do và trốn chạy, yêu thương và tàn sát. Bây giờ thì hai người đã chết. Bức ảnh chụp bên một mé đồi nằm trên đường đi ra biển. Cả bốn đều mặc bò. Bốn cây bò. Bốn cặp kính màu. Bốn kẻ giang hồ. Đằng sau họ là rặng mua tím. Một góc đồi lộng gió. Và cả một đại dương bao la.
Tại sao trời lại cho bốn con người này gặp nhau? Tại sao thị lại gắn đời mình với người đàn ông đứng giữa bức ảnh này? Tại sao chồng thị lại có thể trở thành kẻ giết người và phải bị dong đến trước cột xử bắn? Nào, rượu. Ngày xưa Tùng chả thích uống loại rượu này là gì? Sao bây giờ cứ để cái ly nó đầy thế? Muốn vợ uống hộ cho hả? Ừ thì uống. Nào, uống! Thế là Tùng chết thật rồi đấy hả? Tùng đi hẳn mà không bao giờ về nữa hả? Bỏ vợ dại em thơ ở lại thế này hả? Có biết là vợ khổ thế nào không? Hả? Nào, rượu. Uống nhá! Uống với vợ một chén nhá!
Ngày Tùng mới bị bắt, thị đã phải gồng mình lên để củng cố băng nhóm, cố giữ cho được thế lực của chồng. Bây giờ nghe ra thị còn phải xả thân nhiều lắm để trụ lại với giang hồ đất này. Nhưng thị cũng chỉ là đàn bà con gái mà thôi. Xưa nay gái nhờ uy chồng, người đẹp dựa thế các đấng quân vương. Tùng chết rồi, làm sao giang hồ vẫn chịu công nhận thị, chịu nghĩ rằng thị có thể thay thế được Tùng? Thị ăn theo cái tiếng của chồng, bản thân thị số má được bao nhiêu mà đòi tiếp quản cái thế chân vạc đã được sắp xếp từ trước đến nay?
Nào, rượu! Chồng ơi, sao chồng không uống mà cứ nhìn vợ mãi thế? Có biết là chồng chết thì yên cái thân chồng, còn vợ khổ thế nào không? Ai bảo chồng chết làm gì để đám Lân “sói”, Cộc “ba tai” mở cờ trong bụng? Ai bảo Tùng chết làm gì để thế chân vạc chông chênh, có cớ cho giang hồ nổi sóng? Nào, thế thì uống đi. Uống đi mà chia sẻ với vợ. Uống đi mà sống khôn chết thiêng phù hộ cho vợ đứng vững giữa cuộc đời này. Nghe chưa? Nào, uống!
Thị cứ uống như thế, một mình, với những bức ảnh và mịt mù hương khói. Vợ Châu sợ hết hồn, cứ giục Châu lên “can chị ấy một câu, không thì chị ấy chết mất, chai này nữa là bốn chai rồi đấy”. Châu lên đến cửa phòng rồi lại lặng lẽ đi xuống. Chị đang đau đớn, chị đang điên loạn. Chị chán sống, mình lò dò bước vào, chị lại mở đồ nóng ra rủ mình cùng xuống dưới kia thăm anh Tùng thì toi. Ai có thể vào phòng chị lúc này nhỉ? Bà nội chị? Nhưng bà già lắm rồi. Bắt bà lên đây, thấy cảnh này, khổ bà, mà có khi chị lại không tha tội cho mình cũng nên. Mỹ “chột”? Ừ, hay là chị Mỹ? Thôi kệ, cứ báo cho Mỹ xem sao. Châu vội chạy xuống quán bia hơi tìm Mỹ.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú
Cuộc chạm trán bất ngờ cạnh trại tù
Đây là cuộc gặp hết sức bất ngờ đối với thị. Nhân vẫn vậy. Hầu như nói rất ít, chỉ nhìn thị bằng con mắt giải phẫu. Con người này luôn là điều bí ẩn đối với thị. Dường như anh ta luôn xuất hiện trước những biến cố lớn trong đời thị. Đôi mắt anh ta rất kinh khủng. Thị sợ đôi mắt ấy. Mỗi khi nhìn vào đó, tuổi thơ của thị, những ẩn ức nặng nề mà tinh khôi, những phần đời chật chội khuất lấp, những bóng hình vay mượn, những thăm thẳm hồng hoang thiếu nữ lại len lén tìm về quanh cái vỏ não đã nhuốm máu tội ác của thị.
Đó là lần cuối cùng thị đi kiểm tra lại tình hình để thực hiện kế hoạch cướp tù. Thị và con Mỹ “chột” bắt đầu cho xe chạy từ cổng trại giam. Chạy đến cái ngã ba mà thị tính sẽ chặn xe chuyển tù để cướp Tùng thì thị bảo con Mỹ “chột” dừng lại. Ngó nghiêng một hồi thị lại vẫy tay bảo Mỹ tiếp tục chạy theo hướng đường dẫn ra bờ sông. Vừa nhìn đường thị vừa hình dung các tình huống sẽ xảy ra nếu như cuộc cướp tù diễn biến theo đúng như ý thị.
Đến bờ sông thị xuống xe, để con Mỹ lại đứng chờ, thị đi lên đoạn đê cao nhất, nhìn bao quát một lượt. Rồi thị bước vào cái quán nhỏ nằm bên gốc cây gạo. Quán vắng teo, có mỗi thằng bé con trạc mười tuổi ngồi trông hàng. Trước mặt nó, trên chiếc bàn nhựa bạc mầu có bộ ấm chén cáu bẩn, lèo tèo vài cái bánh đa, mấy phong bánh khảo, hộp kẹo lạc cùng dăm bao thuốc lá. Đầu thị tí nữa thì chạm phải gói thuốc lào treo lủng lẳng ngay cửa quán. Quán dựng lên nơi bờ sông heo hút gió này chắc chỉ để bán cho mấy người làm muối, nuôi tôm, bắt trạch, hoặc trồng cói. Thị chưa kịp nâng chén nước chè nhạt hoe nhạt hoét lên miệng thì Nhân và một người nữa bước vào.
Thị giật mình.
Thảo nào thị thấy có chiếc xe 67 đỗ dưới chân đê. Chắc của Nhân. Lúc đầu Nhân không nhận ra thị vì thị đeo kính râm to bản, choán hết cả khuôn mặt. Giá tránh mặt được thì thị tránh luôn cho khỏi ngại. Nhưng ánh mắt Nhân đã quét một vòng và dừng lại trên khuôn mặt thị. Quán có mình thị là khách, nếu đông hơn có thể đã không khiến Nhân chú ý. Không còn đường lui nữa, thị đành phải hạ kính nhận người quen. “Em vào trại thăm người quen, nực quá, qua đây ngồi nghỉ tí rồi về”.
Tuy lúng túng nhưng thị vẫn nói được một câu khôn ngoan như thế. Dẫu sao thì Nhân cũng đã quá biết thị. Nói dối chỉ càng làm Nhân đặt ra những nghi vấn không cần thiết. Ở đây gần trại giam. Thị lại là dân giang hồ. Cứ nói đi thăm nuôi bạn tù là hợp lý nhất, lại chẳng gây ngờ vực gì cho Nhân. “Lâu lắm rồi em cũng không gặp anh Đinh. Hình như cũng đi trại gì đó ở mãi trong Thanh Hoá. Còn anh thế nào ạ? Bác gái vẫn khoẻ chứ ạ?”.
Nhân chỉ cười và gật đầu. Có lẽ còn có người bạn đi cùng nên Nhân không muốn nói chuyện nhiều. Chờ người bạn hút xong điếu thuốc lào, Nhân mua thêm gói Bông Sen rồi trả tiền đi ngay. Thị thấy hai người đi lên phía bờ đê rồi mất hút sau một con dốc. Thị rất rõ về con người Nhân. Sau khi làm ở Đội hình sự của quận một thời gian, Nhân đã chuyển lên Đội trọng án của thành phố. Hồ sơ lý lịch của thị chắc nằm cả trong ngăn kéo tủ của Nhân rồi.
Ảnh minh hoạ
Nhân đi khuất thì con Mỹ bước vào quán giục thị về. Thị bảo Mỹ chạy lên đê nhìn xem hai người đàn ông vừa ra khỏi đây đi về hướng nào. Mỹ chạy đi, lát sau về nói lại với thị rằng hai người đó đã lên chiếc 67 chạy ngược về phía ngã ba rồi. Thị cảm thấy có gì đó hơi khó hiểu. Nhân cũng như thị vậy. Nếu bình thường chắc chả ai ra cái bờ sông chết tiệt này làm gì. Ừ thì cứ cho là Nhân có việc của Nhân, thị có việc của thị, thì việc của Nhân là gì? Một tuần nay đàn em của thị bám địa bàn này rất sát. Bãi sông hoang vắng này hầu như chả có ma nào lui tới? Phục bắt tội phạm ư? Hôm qua ở đây có xác chết bị vùi chăng? Có kẻ trốn tù? Có âm mưu dùng bãi sông này vượt biên? Có cán bộ xã, huyện lũng đoạn cửa sông? Tàu bè buôn lậu ở khúc sông này? Loại trừ tất cả những điều đó ra thì còn lại duy nhất một lý do để Nhân có mặt ở đây, đó là âm mưu cướp tù của thị đã bị lộ. Chà. Thế này thì gay quá. Không thể nào. Thị rất tin vào sự bí mật của kế hoạch táo bạo này. Chỉ những thằng sẵn sàng chết vì thị và Tùng mới được vào cuộc, làm sao có thể lọt tin tức ra ngoài? Nhìn con Mỹ đứng ngoài quán thả khói thuốc phì phèo thị bỗng thấy thèm thèm ở đầu lưỡi. Thần kinh thị như căng ra. Miệng thị nhạt nhẽo. Thị bảo thằng bé con đưa cho thị một điếu thuốc rồi thị châm lửa hút. Rít vài hơi liên tục để lấy lại bình tĩnh, thị tự nhủ mình không được thần hồn nát thần tính. Chưa chi đã vơ lấy những ý nghĩ độc địa vào người. Biết đâu chỉ đơn giản là Nhân vào trại giam tống đạt quyết định cho phạm rồi qua đây hóng gió trời trước khi về lại thành phố, giống như thị đã nói dối rất trơn tru lúc nãy thì sao? Và bây giờ, có lẽ chính Nhân cũng đang đặt ra rất nhiều những giả thiết về thị, rằng thị có mặt ở đây để làm gì, có âm mưu gì với khúc sông này, định thanh toán băng đảng nào, định buôn hàng cấm gì, định mở sòng thu hồ trên con đê này chăng, định đóng tàu đi vượt biên, định thủ tiêu đồng bọn rồi vùi xác phi tang giữa đồng cói kia, hay đúng như thị nói, đi thăm tù rồi nghé đây ngắm sông đón gió trời? Ha, ha... Có gì đâu mà thị phải nghĩ quẩn quanh thế nhỉ?
Phi vụ đổ bể vì tử tù phải ra trường bắn
Tất nhiên khi về nhà thị vẫn kiểm tra lại lần cuối bằng cách gọi tất cả những đệ tử thân tín đến để hỏi han thật cụ thể, thật tỉ mỉ, thật cặn kẽ về công tác chuẩn bị cho phi vụ “động trời” có một không hai của giới giang hồ thành phố này. Tất cả đều có vẻ rất ổn. Không có động thái gì đáng ngờ vực cả. Và ngày hành động đã đến. Thị đích thân có mặt tại ngã ba đường làng để xem bọn đàn em ra tay thế nào. Thị sẽ không nhúng tay vào nếu không cần thiết. Theo như kế hoạch đã phân công, con Mỹ sẽ đưa Tùng ra bến sông. Khi xuồng máy đưa Tùng đi rồi, Mỹ sẽ tìm đường về thành phố. Thị sẽ rút trước đó, ngay khi nhìn thấy Tùng được giải thoát khỏi xe tù. Đám đàn em của thị đều đã vào vị trí. Tên lái xe tải đã cầm vô lăng chỉ chực lao lên phía trước chặn xe tù. Đám đeo kính đen thọc hai tay túi quần đang đi đi lại lại kia, sẵn sàng vung dao và mã tấu giấu sẵn trong những cái bao tải xác rắn vứt rải rác ven đường kia khống chế mấy cảnh sát trại giam đi theo xe tù. Còn trên con đường chạy ra bờ sông mấy thằng xe ôm giả dạng cũng đang chờ đến lúc lao ra cản đường cảnh sát, hỗ trợ cho xe tù chạy ra tới bến sông, nơi có chiếc xuồng máy đang đợi. Cả vũ khí nóng lẫn vũ khí lạnh đều được huy động vào vụ này. Thị cũng đã tính cả rồi. Một liều ba bảy cũng liều. Đến bước đường cùng, nếu cần, cả bọn sẽ lên tàu vượt biển ra đi. Đằng nào thị cũng đã tính đến chuyện thuê tàu đưa Tùng đi. Tùng không đi được thì con tàu đó sẽ đưa thị và đám đàn em trung thành dám xả thân vì nghĩa giang hồ ra khỏi cái đất nước lúc nào cũng ngộp thở đến căng nhức này.
Nhưng mọi sự chuẩn bị của thị đã vô ích.
Cả buổi sáng trôi qua trong sự nóng lòng đến điên đảo của thị mà cánh cửa trại giam vẫn đóng im ỉm. Không có chiếc xe tù nào xuất phát cả. Con Mỹ trực tiếp ngồi ở quán nước, chếch cổng trại giam, chờ đợi cánh cửa nhà tù mở ra, nhưng cổng chính vẫn đóng chặt, chỉ lác đác những sắc cảnh phục qua lại mé cổng phụ. Khi mặt trời nhô lên đằng bờ đê, chiếu ánh nắng gắt gao xuống khúc sông chảy ra cửa biển thì thị hiểu là đã có chuyện gì đó xảy ra với Tùng rồi. Thị cho gọi người kiểm tra lại nguồn thông tin từ trại nhưng không sao liên lạc được với mấy thằng oắt con, vốn là đàn em của thị đang thụ án trong đó. Quá trưa thì tất cả đều oải.
Đến cuối giờ chiều thị mới nhận được thông tin từ trong trại báo ra. “Anh Tùng bị đưa đi từ hôm qua rồi, khu B lại bị cấm trại nên không thể báo tin ra ngoài, chắc họ đã đánh hơi thấy động tĩnh gì đó nên đột ngột thay đổi kế hoạch”. Thị đọc đi đọc lại mẩu giấy từ trại giam gửi ra do con Mỹ mang tới mà tức muốn nổ con mắt. Giải tán ngay! Thị ra lệnh cho đồng bọn rồi lập tức rút về thành phố. Chắc chắn công an chưa nắm được kế hoạch của thị, nếu nắm được họ đã tương kế tựu kế hót luôn cả đám rồi. Nhưng họ đã mơ hồ nhận thấy điều gì đó bất thường. Hoặc giả đám Lân “sói”, Cộc “ba tai” đã cho người phun đểu điều gì đó. Dẫu sao thì kế hoạch cũng đã hỏng, không xử trí nhanh, bại lộ thêm thì lần lượt dắt nhau vào nhà đá. Hoặc nhân cơ hội này bọn Lân “sói” lại ra tay cướp sòng hay đám Cộc “ba tai” nổi điên cướp bãi thì lãnh địa ngầm của thị dễ có nguy cơ mất về tay mấy thằng giang hồ có thẻ đó. Thị bàn với con Mỹ đưa quân về giữ chặt các sòng bạc, bến bãi, tăng cường cảnh giác đồng thời cho người tích cực đi tìm hiểu xem số phận của Tùng được pháp luật định đoạt ra sao?
Chưa đến hai mươi tư giờ sau thì tin dữ bay về. Tùng đã dựa cột. Hoá ra không hề có sự thuyên chuyển nào cả. Họ đã thi hành lệnh tử hình Tùng vào mờ sáng, đúng hôm thị định ra tay cướp tù. Chiều hôm trước họ chuyển Tùng sang phòng giam đặc biệt để sáng hôm sau đưa đi sớm. Người của thị không biết điều này, chỉ nghĩ đơn giản là họ chuyển Tùng sang trại khác.
Vậy là Tùng đã chết thật rồi. Chồng thị đã chết và thị chính thức trở thành góa bụa. Tin Tùng “hê rô” bị bắn khiến cho giới giang hồ thành phố Ngã ba sông xao xác. Đàn em Tùng, người nhà Tùng, bất kể những ai có mối quan hệ làm ăn ngầm với Tùng đều chấn động. Những tiếng thở dài, những cái nhìn ngao ngán, những câu chửi rủa bốc đồng, những gào thét trả thù, những nỉ non thương xót, những bi quan rồ dại… tất cả đều vọng vào thị, cắt cứa, công phá, xô dạt những cảm xúc trong thị. Nhưng thị cố giữ thăng bằng. Thị phải vượt lên trên tất cả những thứ đó. Thị lẳng lặng thắt lên đầu chiếc khăn tang trắng rồi đứng ra lo toan mọi việc hậu sự của chồng. Thị không muốn làm ầm ĩ. Hãy coi đây như là một chuyện tang ma bình thường, chỉ cần đưa xác Tùng về, mồ yên mả đẹp cho Tùng là xong. Không phát tang, không phúng viếng, không phô trương thanh thế, không biểu dương lực lượng, không manh động và tránh va chạm với hết thảy mọi thành phần. Đám ong ve của thị án binh bất động, coi như đó là hành động để tang Tùng.
Nữ hoàng đen vùi mình trong rượu uất
Thị đóng cửa, ở lỳ trong phòng ngủ ba ngày liền. Cứ khi nào thị gọi điện xuống thì vợ Châu lại mang rượu lên. Vợ Châu chỉ dám he hé cửa đưa rượu vào. Lần nào cũng thế, vợ Châu thấy thị ôm chai rượu, ngồi gục bên thành giường, trước mặt là chiếc ly nhỏ rỗng không.
Trên chiếc bàn giữa phòng là tấm ảnh phóng to của Tùng. Thị đốt nhang liên tục, cắm vào bát hương trước ảnh chồng. Căn phòng ngập mùi nhang khói. Thị một mình ngồi uống rượu với Tùng. Thị cứ rót cho mình một ly, đưa lên miệng uống cạn, rồi lại rót vào chiếc ly đã cạn ấy, đặt lên trước ảnh Tùng. Thị giục Tùng uống đi, có uống không, không uống được hả, thì để thị uống. Thế là thị lại dốc ngược cái ly ấy vào miệng mình. Cũng có lần thị đổ ly rượu ấy vào bát nhang, dưới lên những chân hương đỏ tía, hy vọng Tùng có thể nhận được những giọt rượu thơm lừng từ tay thị. Rồi thị lẩm nhẩm nói chuyện với Tùng. Chả biết chuyện gì mà nhiều thế. Rì rầm suốt đêm. Lẩm bẩm suốt ngày. Có lúc thị bật cười khanh khách. Lại có lúc thị xoay mặt đi, im lặng, như hờn như dỗi.
Thị nhìn ảnh chân dung của chồng chán lại lấy bức ảnh đen trắng ở đầu giường ra ngắm. Bức ảnh chụp bốn người: Tùng, Tính “dao mổ”, Châu “điên “và thị. Đó là những tháng ngày thị mới quen Tùng. Đó là chuỗi thời gian rất đẹp của thị. Cả chục năm đã trôi qua. Bốn con người này đã tạo dựng nên một thế lực. Bốn con người này đã có những khoảnh khắc bình yên và sóng gió, đủ đầy và đói khát, tự do và trốn chạy, yêu thương và tàn sát. Bây giờ thì hai người đã chết. Bức ảnh chụp bên một mé đồi nằm trên đường đi ra biển. Cả bốn đều mặc bò. Bốn cây bò. Bốn cặp kính màu. Bốn kẻ giang hồ. Đằng sau họ là rặng mua tím. Một góc đồi lộng gió. Và cả một đại dương bao la.
Tại sao trời lại cho bốn con người này gặp nhau? Tại sao thị lại gắn đời mình với người đàn ông đứng giữa bức ảnh này? Tại sao chồng thị lại có thể trở thành kẻ giết người và phải bị dong đến trước cột xử bắn? Nào, rượu. Ngày xưa Tùng chả thích uống loại rượu này là gì? Sao bây giờ cứ để cái ly nó đầy thế? Muốn vợ uống hộ cho hả? Ừ thì uống. Nào, uống! Thế là Tùng chết thật rồi đấy hả? Tùng đi hẳn mà không bao giờ về nữa hả? Bỏ vợ dại em thơ ở lại thế này hả? Có biết là vợ khổ thế nào không? Hả? Nào, rượu. Uống nhá! Uống với vợ một chén nhá!
Ngày Tùng mới bị bắt, thị đã phải gồng mình lên để củng cố băng nhóm, cố giữ cho được thế lực của chồng. Bây giờ nghe ra thị còn phải xả thân nhiều lắm để trụ lại với giang hồ đất này. Nhưng thị cũng chỉ là đàn bà con gái mà thôi. Xưa nay gái nhờ uy chồng, người đẹp dựa thế các đấng quân vương. Tùng chết rồi, làm sao giang hồ vẫn chịu công nhận thị, chịu nghĩ rằng thị có thể thay thế được Tùng? Thị ăn theo cái tiếng của chồng, bản thân thị số má được bao nhiêu mà đòi tiếp quản cái thế chân vạc đã được sắp xếp từ trước đến nay?
Nào, rượu! Chồng ơi, sao chồng không uống mà cứ nhìn vợ mãi thế? Có biết là chồng chết thì yên cái thân chồng, còn vợ khổ thế nào không? Ai bảo chồng chết làm gì để đám Lân “sói”, Cộc “ba tai” mở cờ trong bụng? Ai bảo Tùng chết làm gì để thế chân vạc chông chênh, có cớ cho giang hồ nổi sóng? Nào, thế thì uống đi. Uống đi mà chia sẻ với vợ. Uống đi mà sống khôn chết thiêng phù hộ cho vợ đứng vững giữa cuộc đời này. Nghe chưa? Nào, uống!
Thị cứ uống như thế, một mình, với những bức ảnh và mịt mù hương khói. Vợ Châu sợ hết hồn, cứ giục Châu lên “can chị ấy một câu, không thì chị ấy chết mất, chai này nữa là bốn chai rồi đấy”. Châu lên đến cửa phòng rồi lại lặng lẽ đi xuống. Chị đang đau đớn, chị đang điên loạn. Chị chán sống, mình lò dò bước vào, chị lại mở đồ nóng ra rủ mình cùng xuống dưới kia thăm anh Tùng thì toi. Ai có thể vào phòng chị lúc này nhỉ? Bà nội chị? Nhưng bà già lắm rồi. Bắt bà lên đây, thấy cảnh này, khổ bà, mà có khi chị lại không tha tội cho mình cũng nên. Mỹ “chột”? Ừ, hay là chị Mỹ? Thôi kệ, cứ báo cho Mỹ xem sao. Châu vội chạy xuống quán bia hơi tìm Mỹ.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú