Siêu lừa này khi ra toà cố tình khoác áo sĩ quan quân đội để bôi xấu Quân đội.
Nguyễn Đình Chiến
Như báo NNVN đưa tin, ngày 6/7, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Đình Chiến (SN 1951), quê ở Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang, hiện trú ở B12-14, đường Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư thương mại Bắc Hà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì sao một doanh nhân nổi tiếng, từng là “Người đương thời” như Nguyễn Đình Chiến lại bị đề nghị truy tố?
Trước khi bị đề nghị truy tố lần này, có lẽ Nguyễn Đình Chiến là một trong những doanh nhân có “thành tích” rất đáng nể, bởi lẽ, theo cơ quan điều tra, chỉ trong vòng 10 năm qua, ông ta đã từng 5 lần bị khởi tố về tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng không hiểu vị doanh nhân này bản lĩnh đến thế nào mà có đến 4 lần ông ta được đình chỉ điều tra bị can. Lần thứ 5, vào năm 2006, ông Chiến phải ra trước vành móng ngựa nhưng rồi ông ta lại một lần nữa thoát được bản án 18 năm tù giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau vụ việc này, ông kiện cơ quan pháp luật tỉnh Cần Thơ đòi bồi thường oan sai số tiền lên tới 452 tỷ đồng. Và rồi ông càng “nổi tiếng” hơn khi xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” của Đài THVN được phát vào một buổi tối cuối tháng 5/2009. Theo Thượng tá Hoàng Trọng Công, Trưởng phòng ANĐT CATP Hà Nội, sở dĩ ông Chiến “nổi tiếng” như thế, bởi ông ta là kẻ lừa đảo “siêu hạng”, rất khéo léo trong việc che đậy các hành vi phạm tội. Thực ra những hành vi lừa đảo của ông Chiến khá đơn giản, thế nhưng không ít DN, cá nhân đã mắc bẫy. Với một số mớ giấy tờ giả của Ngân hàng HSBC, giấy bảo lãnh và hợp đồng mua bán giấy bảo lãnh do Ngân hàng Barclay London phát hành ngày 10/10/2007 với số tiền 500 triệu Euro mà người thụ hưởng tất nhiên là Nguyễn Đình Chiến… ông ta khiến cho một số DN, cá nhân lóa mắt, không phân biệt được đúng, sai ký hợp đồng huy động vốn, chuyển tiền cho ông ta.
Một trong những nạn nhân đầu tiên phải kể đến Cty CP Thương mại dịch vụ & chế biến nông sản (Cty nông sản), có trụ sở ở phòng 115, tòa nhà Viện Nghiên cứu cơ khí số 4, đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Vào tháng 4/2007, trong khi Cty nông sản đang loay hoay tìm nguồn vốn kinh doanh thì ông Chiến tìm đến khoe rằng, có nguồn vốn nước ngoài sẽ cho Cty nông sản vay 2 triệu USD, trong thời hạn 15 năm, lãi suất 5%/năm, trong đó 2 năm đầu không phải trả lãi. Thế nhưng muốn vay được khoản tiền này thì Cty nông sản phải có vốn đối ứng là 200 ngàn USD hoặc 40 ngàn USD chuyển vào tài khoản của Cty Bắc Hà để trả tiền lãi suất 12 tháng cho khoản vốn đối ứng. Sau khi nhận được số tiền ấy, Công ty Bắc Hà sẽ tiến hành giải ngân số tiền 2 triệu USD cho Cty nông sản. Giữa lúc thiếu vốn, Cty nông sản ký hợp đồng với ông Chiến rồi nộp cho ông ta 640 triệu đồng, tương đương với 40 ngàn USD. Thế nhưng rồi Cty nông sản chẳng được Chiến cho vay 2 triệu USD, không những thế còn mất luôn 40 ngàn USD khoản trả lãi vốn đối ứng.
Chỉ 4 tháng sau vụ lừa Cty nông sản, với mớ giấy tờ giả gồm giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclay London chứng minh rằng, ông Chiến có khoản tiền 500 triệu Euro, giấy hứa thanh toán nợ số tiền 2 triệu USD Mỹ của Tập đoàn Ba son Hong Kong chuyển trả cho Chiến rồi nguồn vốn 6 tỷ Euro của Công ty TNHH XNK phát triển nông lâm nghiệp Lào, thậm chí Chiến còn có cả giấy ủy quyền của ông Aixinjuelou Yuhao về việc sử dụng viên ngọc, trị giá 1,2 tỷ USD Mỹ…Chiến tìm đến Cty Đại Viễn Dương, có trụ sở ở 126/1, Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Có lẽ choáng ngợp bởi nguồn vốn từ nước ngoài mà Chiến trưng ra, ngày 8/8/2007 hai bên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư để xây dựng dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nhà nghỉ cao cấp, khách sạn, nhà hàng, bến du thuyền tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Theo nội dung của hợp đồng này, Cty Bắc Hà sẽ cho Cty Đại Viễn Dương vay 20 triệu USD trong thời gian 12 năm với lãi suất 5%/năm, 2 năm đầu không tính lãi. Tuy nhiên Cty Đại Viễn Dương phải có 2 triệu USD vốn đối ứng chuyển vào tài khoản Cty Bắc Hà hoặc phải có 400 ngàn đô la trả lãi suất 12 tháng cho khoản vốn đối ứng mà Cty Đại Viễn Dương nhờ Cty Bắc Hà huy động. Thực hiện hợp đồng, ngay trong tháng 8-2007, Cty Đại Viễn Dương đã chuyển hơn 6,4 tỷ đồng (tương đương 400 ngàn USD) cho Chiến cùng 12 cuốn “sổ đỏ”. Sau khi nhận được số tiền này, Chiến rút ra chi tiêu mà không hề chuyển cho Cty Đại Viễn Dương vay một đồng nào theo như hợp đồng. Còn 12 cuốn “sổ đỏ”, Chiến không bỏ lỡ thời cơ mang đến Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương thế chấp vay 80 tỷ đồng. Không nhận được tiền cho vay, biết là bị Chiến lừa, Cty Đại Viễn Dương nhiều lần đòi ráo riết, đến tháng 4-2009, ông ta mới trả được 3,1 tỷ đồng và 1.500 USD.
Tương tự như thế, tháng 5/2008, ông Chiến lừa Đại học Nguyễn Trãi, trụ sở giao dịch ở 266, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội ký hợp đồng cho vay 100 triệu EURO để phát triển giáo dục chiếm đoạt 20 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn lừa một số doanh nghiệp khác như Cty CP Tân Phong, Phú Thọ ở Thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng, Cty CP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội hơn 500 triệu đồng, Cty CP Bằng An ở Mê Linh, Hà Nội… Và ông Chiến lừa vay được của bà Trần Thị Thành, trú ở 26, Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội 6,2 tỷ đồng nhưng không trả.
Qua xác minh, thật nực cười, Cty Bắc Hà của ông Chiến được thành lập từ năm 2001, đến năm 2007 từ vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng được ông ta tự ý nâng lên 168 tỷ đồng, không có cổ đông nào góp thêm vốn để tạo sự “hoành tráng” dễ bề lừa đảo. Điều đáng chú ý, Cty Bắc Hà từ năm 2007 đến nay không mua hóa đơn GTGT của Chi cục Thuế Q. Cầu Giấy và cũng không thấy có hoạt động sản xuất kinh doanh gì. Các hoạt động chịu thuế của doanh nghiệp này chủ yếu là mua xăng, sửa chữa ôtô, thanh toán cước viễn thông, mua văn phòng phẩm mà thôi. Đến năm 2007, Chiến cùng con trai là Nguyễn Đình Hùng và một vài người khác đứng ra thành lập Tập đoàn Bắc Hà Hong Kong, có trụ sở ở Flat B 8F1 Wardley Centre 9-11 Prat Ave Mongkok Kowloon Hong Kong với vốn điều lệ là 10 ngàn đô la Hồng Kông.
Tuy nhiên qua xác minh, phía Hồng Kông cho biết, khi thành lập Tập đoàn có mở tài khoản tại Ngân hàng Stanđard-Charterad nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không hề có giao dịch gì trong tài khoản. Với những kết quả điều tra này, có lẽ bộ mặt thật của vị TGĐ “nổi tiếng” về tài kinh doanh, có nhiều nguồn vốn lớn cho vay đã bị lật tẩy. Lần thứ 6 Nguyễn Đình Chiến lại bị khởi tố, bắt giam và có lẽ lần này ông ta có tài giỏi đến mấy chắc khó tránh khỏi sự nghiêm trị của pháp luật.
Nguồn Nông Nghiệp