Chúng tôi vừa đến xã biên giới Sơn Vỹ huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Sơn Vỹ được coi là mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt và nghèo đói bậc nhất của Hà Giang, Hà Giang lại là tỉnh nghèo nhất nước. Tôi tự hỏi: tại sao vùng đất nghèo đói Sơn Vỹ lại phải chịu cái lạnh khủng khiếp dường như vượt qua sức chịu đựng của những người không đủ tiền để mua áo ấm, của nhiều đứa trẻ chào khách phương xa bằng nụ cười rớm máu? Nụ cười rớm màu vì quá lạnh, môi các em khô và nứt nẻ…
Ngày đêm, Sơn Vỹ cũng chìm trong cái lạnh thấu xương. Khi mưa xuống, băng tan đi, đến cây lâu năm cũng chết, nói gì đến rau. Được nhìn thấy tuyết rơi vốn là mơ ước của nhiều người thành phố, nhưng dân nghèo Sơn Vỹ thì sợ lắm, bởi tuyết hay băng giá là… kẻ thù. Nhiều người nhà cửa tuềnh toàng, gió luồn từ cửa trước ra cửa sau, chẳng biết lấy gì che chắn… Nhiệt độ ở Sơn Vỹ có khi xuống tới âm 5 độ, nhưng trẻ em ở đây hầu hết không có quần áo ấm để mặc, giày dép để đi, trần truồng tím tái trong giá rét. Hình ảnh những em bé mặc áo dân tộc, áo sơ mi mỏng tang sờn cũ đầu trần, chân đất đi hàng chục cây số trên nhưng con đường đấy đá tai mẹo nhọn hoắt để đến trường học chữ cứ ám ảnh mãi tâm trí tôi.
Chạnh lòng nghĩ đến mùa đông này lạnh lắm, em tôi mặc có ấm không? Hỏi cũng tức là trả lời. Làm sao mà các em có thể mua được quần áo ấm khi mà cơm với muối cũng không đủ để ăn.
Chắc các bạn không lạ gì với những em bé vùng cao được các nghệ sỹ chụp vào mùa đông, xung quanh sương giăng trắng xoá, má ửng hồng, mắt to tròn. Có lẽ bạn cũng phải một lần thốt lên rằng: Ôi, xinh quá.
Chắc các bạn cũng không lạ gì hình ảnh những em gái vùng cao, cười nụ cười toả nắng, mặc váy xoè hoa, chân không giày mời bạn một món hàng.
Trong số chúng ta đã ai được nhìn tận mắt thấy má em ửng hồng vì làn da em nứt nẻ bật máu vào những ngày gió mùa lạnh giá? có ai được tận mắt thấy các em túm năm, tụm ba vào nhau ở một góc khuất gió khi không có khách đi qua cho đỡ rét?
Và còn bao nhiêu cảnh tượng như vậy… bạn có thể nói với chúng tôi rằng bạn chưa từng thấy hay không???
Chúng ta đều từng là trẻ con, đều từng một lần được nghe kể về «Cô bé bán diêm», khóc thương cho cô bé bán diêm tội nghiệp và tiếp tục kể cho những lớp sau này của chúng ta về câu chuyện ở một phương trời tây xa xưa nào đó. Dạy cho lũ trẻ những bài học đạo đức về lòng trắc ẩn. Chúng ta chính là những người quyết định lũ trẻ sẽ lớn lên trong thế giới như thế nào? Nhưng tôi đã đọc được một điều rằng: “Hành động mới quyết định con người thật của ta, chứ không phải lời nói”.
Có một cô bé 12 tuổi trong bài diễn thuyết của mình đã nói rằng:
… Kể cả khi đã thừa thãi, chúng ta vẫn sợ phải chia sẻ, sợ phải cho đi 1 chút của cải.
Ở Canada, chúng tôi sống trong quyền thế, với rất nhiều lương thực, nước uống và nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính và tivi. Nhưng hai ngày trước ở đây, ở ngay Brazil, chúng tôi đã rất kinh ngạc khi sống cùng với những đứa trẻ trên đường phố. Một đứa bé đã nói với tôi như thế này “Ước gì tớ thật giàu có. Nếu như vậy, tớ sẽ cho bọn trẻ trên đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình thương và sự cảm thông nữa”. Một đứa trẻ trên phố không có gì mà còn sẵn sàng chia sẻ, thì tại sao những người đầy đủ như chúng ta lại tham lam như thế này?
Các vị sẽ nói là yêu thương chúng tôi, nhưng tôi xin được thách thức các vị rằng hãy để cho hành động của mình đúng với lời nói.
Thay vì thương xót cho những nhân vật trong truyện cổ tích. Tại sao chúng ta không nhận lời thách thức này của một đứa trẻ và hành động từ những việc đơn giản. Chia sẻ một chút áo ấm cho chính những đứa trẻ là con cháu cùng dòng máu, màu da, dân tộc của ta trước, một chiếc chăn cho mùa đông giấc ngủ của em được yên lành.
Hãy cùng hưởng ứng đợt vận động quyên góp quần áo ấm, chăn ấm, giày tất cùng sách báo cũ, đồ dùng sinh hoạt, gạo và thực phẩm cho trẻ em và đồng bào dân tộc nghèo ở xã biên giới rẻo cao Sơn Vỹ – Hà Giang.