“Sự đơn thân và cái đói đã đánh gục tôi”
- Khóc, vì một bữa ăn đạm bạc? Vì nếu không “trót dại” vào Sài Gòn, thì anh sẽ không phải khổ thế chăng?
- Nếu để nói là vất vả, thì hồi bé tôi còn vất vả hơn nhiều. Hồi còn học cấp hai, tôi thậm chí còn từng đi làm lơ xe. Đơn giản vì bố tôi làm lái xe, nghỉ hè thì tôi đi phụ cho bố, vừa chở khách, vừa chở hàng đến các cửa khẩu Đồng Đăng, Tân Thanh...
Còn buổi tối thì phụ mẹ bán hàng chè thuốc trước nhà. Nhưng lúc đó còn nhỏ nên chả nghĩ gì nhiều. Chỉ thấy làm sao giúp được gia đình và giết thời gian. Nhưng có lẽ cũng nhờ những năm tháng vất vả ấy mà năm 2002, khi chuyển vào sống ở Sài Gòn, có những lúc nghèo, khổ, tôi cũng đã vượt qua được vì xét cho cùng, nó chả thấm gì so với tuổi thơ của tôi.
- Anh đã bắt đầu ra sao ở Sài Gòn?
- Bắt đầu bằng những con số không. Không nhà, không tiền, việc làm thì ít. Chỉ vì chưa vào Sài Gòn bao giờ nên muốn thử, đầu tiên bằng việc đi chụp hình mẫu áo cưới, nghĩ đơn giản: Sống được thì ở, không thì về... đi tàu.
Tôi học Đại học Hàng Hải mà! Lúc ra đi thì tuyên bố hùng hổ lắm, không làm được cái gì đó thì nhất định không về, để xem sức mình đến đâu. Mà “cái gì đó” thì cũng chẳng rõ nó là cái gì. Chịu được gần một năm thì thấy khổ quá, bắt đầu tính chuyện quay về...
- Khổ - ở đây là gì? Đói ăn? Đói mặc? Hay là những nỗi khổ có phần sang trọng hơn, chẳng hạn, những khát vọng làm nghề dang dở?
- Khổ rất tầm thường chứ chẳng sang trọng như chị nghĩ đâu! Nhà thì phải đi ở nhờ (một người chị ở dưới Thanh Đa) vì không có tiền thuê trọ nữa, ăn cơm bụi bữa 5, 7 ngàn lay lắt qua ngày. Đi diễn thì đi xe ôm. Tối về, lại lần ra cái công viên gần nhà, ngồi hoài trên ghế đá, có khi đến tận 3 - 4 giờ sáng, ngẫm chuyện đời mình mà chán.
Những lúc không có show diễn thì lang thang vật vờ, hoặc ngủ nướng cho qua ngày. Bước ngoặt với tôi là khi tự thấy nếu cứ đơn phương độc mã thế này thì rất khó sống, tôi bèn quyết định xin vào CLB Người mẫu Hoa Học Đường.
- Chữ “sĩ” của một anh con trai Bắc kỳ xem ra cũng dễ dàng bị “cuộc chiến sinh tồn” ở phương Nam hạ gục quá nhỉ?
- Chính xác là sự đơn thân và cái đói đã đánh gục tôi. May mắn là khi tôi gọi điện, người chủ nhiệm CLB đã nhận ra tôi ngay. Và từ khi tôi gia nhập CLB, công việc mới nhiều hơn, nhờ vậy cũng được nhiều người biết đến hơn. Tôi được đi diễn, được đi quay video clip.
Vẫn nhớ cái clip đầu tiên quay cho anh Huỳnh Phúc Điền và show quảng cáo đầu tiên trong đời là quảng cáo xi măng quay cho anh Phạm Hoàng Nam. Được 5 ngàn USD - Đó là món tiền to lắm với tôi, cảm tưởng như cả đời mình sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy một số tiền nhiều đến vậy!
Tôi đã không dám tiêu, mà gửi vào ngân hàng để phòng thân. Rồi tôi quyết định “ra riêng” với một căn phòng thuê, một chiếc xe Wave Tàu cũ – tài sản cá nhân có giá trị đầu tiên của tôi. Đó là năm 2003.
“Vào Sài Gòn để... được đi máy bay”
- Có thể chia một quãng đời của Bình Minh thành hai nửa: trước và sau khi... có 5 ngàn USD?
- Đúng, đúng! Trước đó thì sống một cuộc sống không phải của mình. Sau khi rời nhà bà chị dưới Thanh Đa, tôi may mắn gặp một ông bố nuôi là bố già Hoàng Đô, ông cho tôi về nhà ở nhờ mấy tháng, cưu mang tôi cả ăn và ở. Và sau khi có 5 ngàn thì tôi xin bố ra thuê căn phòng ở quận Nhất với giá 700 ngàn đồng/tháng.
Đó là niềm hạnh phúc vô bờ thời điểm ấy. Căn phòng nóng kinh khủng vì nó chỉ là một căn gác xép, nhưng tôi đã sống suốt hơn hai năm ở đó, với một cây quạt, tận mãi sau mới liều mình mua được một chiếc máy lạnh.
- Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ cho những người hoạt động trong ngành giải trí, cũng là chốn phồn hoa đô hội. Nghèo như vậy, mặc cảm khi đó của Bình Minh là gì?
- Tôi không có mặc cảm. Chỉ ý thức là cuộc sống khó khăn nên phải cố mà kiếm tiền để sống thôi. Tôi đã được giáo dục trong một gia đình nề nếp cộng với 4 năm học đại học Hàng Hải là nền tảng tốt để tôi sống và vươn lên.
- Đã bao giờ anh ân hận không theo ngành hàng hải - một nghề cũng hấp dẫn với đàn ông đấy chứ?
- Chỉ có thể đổ tại hai chữ số phận. Số phận ở đây là do tôi đã đoạt giải người mẫu khi còn đang đi học. Tôi đi tập thể hình ở Cung Văn hóa Việt – Tiệp (Hải Phòng). Cuộc thi người mẫu khi đó được phát động bằng tờ rơi ở tất cả các cung văn hóa, có dán trong phòng tập thể hình của tôi, mà tôi thì số đo chiều cao cũng đủ để thi.
Lần đầu tiên được đi Sài Gòn cũng là vì lọt vào chung kết. Lần đầu tiên được đi trên máy bay, ăn trên máy bay, cảm giác sung sướng lắm! Đi thì cứ ngơ ngơ, đúng nghĩa một thằng nhà quê lên tỉnh. Vào Sài Gòn nhìn gì cũng nhìn, thích nhất là nhà cao tầng. Xe cộ đi rầm rập, bát nháo, tôi thích quá. Tôi thích cảm giác ồn ào náo nhiệt của Sài Gòn kinh khủng!
- Chỉ thế thôi mà quyết chí “Nam tiến”?
- Không, tôi thậm chí còn không dám nghĩ mình sẽ vào Sài Gòn nữa, ở thời điểm đó. Tôi chỉ nghĩ đi thi để được đi máy bay, để được vào Sài Gòn chơi, chấm hết! Giải không quan trọng! Vì hai lý do đó thôi! Ai dè được giải! Giải không cao, xếp thứ 4 mà.
Thi xong lại về đi học tiếp. Nhưng lại được công ty Elite của chị Thúy Hằng, Thúy Hạnh chọn đi thi người mẫu thế giới. Rồi lại về học tiếp để lấy bằng tốt nghiệp. Rồi bắt đầu có show chụp hình, rồi được vào Sài Gòn lần nữa, rồi ai dè, ở lại luôn.
- Gia đình có phản ứng trước lựa chọn bất ngờ của anh không?
- Không hề! Vì thời gian đầu, tôi giấu gia đình, vì sợ làm cả nhà lo lắng. Được cái bố mẹ tôi cũng tôn trọng, chỉ nói cứ đi theo cái gì mình thích, nếu chán thì về đi tàu. Vì nghề hàng hải không bó buộc tuổi tác. Bây giờ tôi quay lại đi tàu cũng được mà, 35 tuổi tôi đi tàu cũng được.
- Ngoài gia đình, chẳng lẽ, trong suốt bốn năm ĐH, một người hấp dẫn như anh lại không có một mối tình nào đủ giữ chân anh sao?
- Thú thật là có, cũng đã quen nhau mấy năm nhưng không đủ để níu chân tôi. Yêu thì là duyên nhưng có lẽ tôi lại có nợ với nghề người mẫu...
- Anh không sợ làm người mình yêu tổn thương sao?
- Thì tất nhiên là đau đớn rồi, vì tôi chủ động chia tay. Người ta không thể bỏ nhà theo mình mà mình thì đã xác định con đường phải chọn...
- Nhưng đến khi nếm khổ ở Sài Gòn, anh đã bao giờ tự trách mình rằng, đã chọn nhầm đường?
- Đến bây giờ thì không. Nhưng thời điểm đó thì có chứ, chạnh lòng nhiều chứ! Tủi nhất là những ngày lễ Tết. Bạn bè, nhà cửa, tiền bạc đều không. Đó là những ngày rơi nước mắt nhiều nhất! Năm nào cũng vậy, dịp lễ Tết nào cũng vậy, đều rớt nước mắt.
Ngộ lắm, vậy mà tôi không hề có ý định sẽ bỏ nghề, bỏ Sài Gòn nhé! Mãi sau này mới tính chuyện bỏ nhưng đồng thời một suy nghĩ trẻ con khác cũng trỗi dậy: Rằng mình đã tuyên bố hùng hồn vậy mà trở về tay trắng ư? Thế là lại cắn răng lướt qua những khó khăn ấy, khó khăn cả về vật chất và tinh thần.
Chị biết rồi đấy, Sài Gòn họ sống rất hiện đại, cũng thiên về vật chất nhiều. Mình muốn chơi với họ cũng phải có ít nhất là phương tiện đi lại, hay chút tiền café hoặc shopping chứ? Tôi chỉ nhìn người ta, không bao giờ dám bước chân vào các trung tâm mua sắm và những quán café sang trọng.
Giả hạn như quán tôi và chị đang ngồi đây, thì cũng phải mấy năm trở lại đây tôi mới dám bước chân vào, chứ trước chỉ dám café lề đường vài nghìn mà thôi. Tôi nhớ quán cơm bụi ở Nguyễn Văn Tráng mà sáu năm trời tôi gắn bó với nó. Tôi ăn mãi đến mức chủ quán nhìn thấy là biết tôi sẽ ăn gì. Khổ nhất là khi bệnh.
Thuê căn nhà trọ 700 ngàn, gặp lúc ốm, nhà không có bếp, tôi phải gượng dậy mò ra ngoài ăn. Gặp anh Cao Minh Hiển (báo Thanh Niên - BT), đụng ánh mắt bạn nhìn mình ái ngại, vì thấy tôi ốm mà ăn bữa ăn quá đạm bạc, nước mắt tôi chảy ròng ròng...
- Trong cơn cơ cực ấy, đã bao giờ anh nhận được những “lời đề nghị khiếm nhã” và cảm thấy khó chống đỡ - như những lời đồn từng có về anh?
- Không thể không có. Nhiều là khác. Ngay cả bây giờ cũng vậy. Nói thẳng là nếu tôi gật đầu thì sẽ có người đứng ra “tút” lại hình ảnh của tôi, từ cách ăn mặc, đến xe cộ và nhà cửa.
Rất nhiều, rất nhiều lời đề nghị như vậy. Nhưng mỗi người có một cách sống và có một cách lựa chọn. Khi khó khăn, tôi hay gọi điện về nhà nói chuyện với mẹ, với bố. Nói chuyện thì chỉ là hỏi thăm nhưng nó là hơi ấm của người thân có đủ sức mạnh để tôi vượt qua nhọc nhằn, cám dỗ mà sống tiếp.
Vợ chồng Bình Minh - Anh Thơ
- Anh tự hào nhất vì điều gì? Vì anh đã tự mình làm nên tất cả hay đã vượt qua cám dỗ?
- Tôi tự hào vì cả hai điều mà chị nói. Tôi đã vượt qua được một quãng đời không dễ dàng gì và tự bàn tay của tôi, cái đầu của tôi làm nên cuộc sống của tôi ngày hôm nay. Đến gần đây thì có thêm sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Những cái trước đây thì do chính mình làm ra. Có thể những cái tôi có cũng chả thấm vào đâu so với người ta, so với thiên hạ, và tôi cũng xác định với mình tất cả chỉ đang là sự bắt đầu.
“Tôi ngưỡng mộ Anh Thơ vì cô ấy giỏi, nhưng chọn cô ấy vì những điều rất nhỏ nhặt”
- Những bóng hồng không có chỗ trong những ngày tháng cơ cực của anh sao? “Khai” thật đi, trước khi lấy vợ, anh đã có bao nhiêu “tiền án”?
- Nói không có thì không phải. Nhưng nó chỉ dừng lại yêu mà thôi, chứ không nghĩ sẽ cưới làm vợ. Tôi không biết, không nghĩ và cũng không quan tâm phụ nữ là ai, muốn gì ở mình, thời điểm đó. Chỉ hiểu là mình đến với họ, tình cảm chỉ dừng ở đó mà thôi. Cũng không nghĩ sẽ đi xa hơn, lấy họ làm vợ hoặc để cho họ cưới mình làm chồng.
- Để lại sau lưng bao nhiêu gương mặt đàn bà rớt nước mắt vì mình rồi?
- Đâu, nói thế thôi cũng thực sự không nhiều đâu! Nhiều người cứ nghĩ tôi sẽ làm khổ rất nhiều cô gái nhưng nói thật với chị, đếm trên một bàn tay còn chưa quá năm ngón.
- Vậy cuối cùng, sao anh lại dừng lại ở Anh Thơ?
- Tôi tiếp xúc với rất nhiều người đẹp, cũng rất nhiều người giỏi. Nhưng tôi xác định rất rõ, yêu và vợ là hai phạm trù khác nhau. Vợ có nghĩa là vợ của mình. Người vợ đó phải biết vun vén cho gia đình, phải biết nghĩ cho chồng. Tôi chọn Anh Thơ vì những điều rất nhỏ nhặt mà tôi nhận ra trong thời gian yêu nhau thôi. Đó là đi ăn, hay đi mua sắm, cô ấy hay chọn những chỗ giảm giá, những chỗ rẻ.
Thơ không phải là người không biết xài đồ hiệu, nhưng lại biết tiết kiệm. Cô ấy không bắt tôi phải vào những chỗ quá sang trọng, quan trọng là chỗ nào ngồi bên nhau mà thấy vui. Chỗ nào rẻ càng tốt. Chỉ những cái nhỏ đó thôi nhưng lấy nhau thì đó là phẩm chất rất cần thiết để khi họ là vợ mình, họ biết vun vén từng đồng.
Đàn ông xài hoang lắm, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tìm được người vợ nhiều đức tính giống mẹ tôi – nhất là tính cần kiệm, làm sao tôi từ chối được duyên may ấy?
- Nhưng thiện cảm ban đầu hẳn phải bắt nguồn từ điều gì khác chứ?
- Tất nhiên, hình ảnh của Anh Thơ lúc đầu (bạn của chị Trương Ngọc Ánh) trong mắt tôi là một cô xinh xinh, mũm mĩm, dễ thương. Tôi ngưỡng mộ vì cô ấy giỏi nữa, nền tảng học hành, vị trí xã hội của cô ấy hiện tại, tôi choáng lắm. Ban đầu tôi cũng vẫn gọi Thơ là chị, đâu dám phạm thượng đâu (cười).
Sau nhiều lần café, đi ăn ở Sài Gòn, Thơ cũng không nghĩ là tôi tấn công đâu, nên Thơ rất bất ngờ. Sau nhiều ngày gọi bằng chị thì tôi chuyển phương án xưng tên, thân thân tí xíu thì đặt biệt danh. Tình cảm phát triển theo từng giai đoạn, bạn bè không hề biết, tôi hoàn toàn bí mật và mất hơn hai năm thì tôi cưa đổ Thơ.
Cũng may là không có đối thủ nào, duyên là tôi đến đúng thời điểm, chứ trước hay sau thì chắc tôi cũng rớt rồi. Đến khi sắp cưới, tôi mới công khai quan điểm. Gia đình tôi cũng tìm hiểu cặn kẽ, tôi cũng khai lý lịch đầy đủ, may nữa là ngay từ giây phút ban đầu, gia đình tôi cũng đã quý Thơ. Đó quả thực là một hạnh phúc!
- Giả sử chuyện không xuôi chèo mát mái thì sao?
- Thì tôi sẽ phải thuyết phục. Vì đó là người tôi lựa chọn. Nếu gia đình tôi mà không đồng ý, có lẽ tôi sẽ phải nói thẳng, đó là lựa chọn của tôi, tôi sẽ ăn ở với người ta chứ không phải gia đình. Vợ tôi là người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ. Cùng một vấn đề, cách nhìn của cô ấy cũng thoáng hơn tôi.
Quan trọng hơn, cô ấy chấp nhận tôi cùng nghề nghiệp của tôi. Cô ấy cũng bị áp lực nhiều lắm chứ, khi tiến tới hôn nhân với tôi. Tình yêu của chúng tôi càng ngày càng sâu sắc hơn, hiểu nhau hơn. Độ chín về tình cảm nhiều hơn. Công việc, tình cảm, đối nhân xử thế đều mạnh mẽ và bền vững hơn. Thơ là hậu phương vững chắc đúng nghĩa để tôi hoàn toàn yên tâm đi “chiến đấu”, yên tâm đi “cày”.
- Mọi cám dỗ có bị sự yên tâm ấy vô hiệu hóa?
- Tôi thấy cuộc sống đang rất suôn sẻ. Tôi không gặp mỹ nữ nào nữa, sau hôn nhân. Có lẽ cũng vì tôi đang rất bận. Thời gian ngủ tôi còn chẳng có. Bây giờ tôi rất sợ ốm, nhất là sau lần ốm mười ngày vì sốt xuất huyết, lỡ mất vai diễn trong phim “Để mai tính” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Khi đó mới thấy tiền là vô nghĩa, vì nếu chậm vào viện hai ngày thôi thì có thể chết rồi. Cuộc đời ngắn ngủi và mong manh quá, lúc đó mới biết quý mạng sống của mình.
- Từ chối đại gia và mỹ nữ, cái nào khó khăn hơn?
- Đại gia và mỹ nữ đều là cám dỗ, mức độ nguy hiểm như nhau. Khó ai có thể nói trước điều gì. Và có lẽ chỉ khi nào gặp phải một nhân duyên kinh khủng lắm, thì mới có thể biết định lực của mình đến đâu. Bây giờ thì khó nói suông lắm! Chỉ biết bây giờ cuộc sống của tôi đang bình yên, và tôi gắng duy trì điều đó.
- Không ít nghệ sỹ đã không tiếc những lời có cánh dành cho người bạn đời của mình nhưng đến khi tan đàn xẻ nghé thì lời lẽ quay ngoắt 180 độ. Minh có bị áp lực?
- Tôi chẳng bị áp lực gì vì tôi không so sánh!