Thiết kế:
có thiết kế khác biệt so với tất cả các TV khác trên thị trường, nhưng nó cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người nghĩ rằng W7 đưa tấm panel màn hình lên trên, toàn bộ chip xử lý, thành phần điều khiển được đưa vào loa phía dưới, chẳng có gì đặc biệt, nhưng đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu tầm thường như thế thì đã có nhiều nhà sản xuất làm rồi, mà không chờ đến LG.
Cách hiện thực của W7 Signature thật sự rất thông minh, LG đã sử dụng một đế riêng để treo W7 lên, khi lắp đặt thì bạn sẽ lắp đế này vào tường và áp W7 lên trên. Không chỉ cố định bởi các ngàm mà W7 còn dùng nam châm để gắn vào đế, vì vậy mà nó vẫn giữ được độ mỏng cần thiết, chỉ 2.57mm, nhìn như đang lơ lửng trên tường. Đó là chưa kể đến việc LG còn dùng cáp trong suốt để nối loa với TV, đảm nhiệm vai trò truyền tất cả các tín hiệu. Nếu khéo léo che giấu thì gần như không bao giờ bạn biết được có sợi cáp gắn TV với loa phía dưới.
Nói về loa, đây là thành phần mà mình ấn tượng nhất trên W7, bên cạnh màn hình siêu siêu mỏng. Loa của W7 hỗ trợ Dolby Atmos, cho chất lượng âm thanh thuộc loại tuyệt nhất trong số tất cả các loa TV “tích hợp”, nhưng đó không phải là thứ đáng nhắc đến vì chính thiết kế của nó mới là điểm độc đáo nhất: khi mở TV, hai thanh tròn sẽ tự động trượt qua một bên, làm xuất hiện lỗ nhỏ cho cụm loa từ từ trồi lên. Lần đầu tiên thấy điều này, cảm giác của mình là cực kỳ hưng phấn và ấn tượng, nó giống hệt như cần số của các xe Land Rover, trồi lên nhẹ nhàng và cao cấp.
Thiết kế tắt mở loa kiểu này hoàn toàn không mang lại lợi ích gì về tất lượng âm thanh, nhưng nó lại mang lại một trải nghiệm rất riêng, rất độc đáo và sáng tạo. Các sản phẩm cao cấp thường có những điểm riêng biệt như vậy, và đây là lần đầu tiên mình thấy LG có một điểm nhấn thật sự ấn tượng, một thứ gì đó cao cấp khó diễn tả thật sự xứng đáng với chữ Signature, dòng sản phẩm mang tính trình diễn công nghệ của LG với giá bán thường là trên trời.
Nói đi cũng phải nói lại, trong trường hợp bạn cần sử dụng những bộ soundbar ngoài hay dàn âm thanh vòm chất lượng cao hơn thì vẫn phải đặt loa của W7 phía dưới, vì toàn bộ phần điều khiển ở đây. Nếu như LG làm module điều khiển có thể tách rời khỏi loa thì có lẽ sẽ tốt hơn.
Có một điểm nữa là phần loa của W7 nằm dưới, nên nếu được bạn cố gắng bố trí W7 lên ngang tầm mắt thì âm thanh sẽ đỡ bị cảm giác từ dưới lên.
Màn hình:
Thường tốt gỗ thì không tốt nước sơn, và ngược lại. Nhưng mà W7 lại có cả hai. Đây là tấm nền OLED xuất sắc nhất mà LG từng sản xuất, nó cải tiến gần như toàn bộ những điểm yếu của OLED cũ, thậm chí là so với thế hệ 2016 liền kề. Tuy vậy, nếu bạn mong chờ một cái gì đó đột phá về chất lượng hiển thị so với các dòng OLED B7, C7 hay G7 thấp hơn kiểu Sony X1D so với các TV LCD dưới nó thì không có đâu, vì chất lượng hiển thị của các tấm nền OLED vốn đã rất xuất sắc và gần như không khác biệt quá nhiều, trừ một vài thay đổi nhỏ để tạo khác biệt.
TV OLED thì không cần nói nhiều, bạn nào đang sử dụng OLED ở nhà thì cũng không cần quan tâm lắm đến các đối thủ, đơn giản vì trong hầu hết các trường hợp thì OLED không có đối thủ (HDR là một câu chuyện khác). W7 cũng vậy, nhưng nó còn được cải tiến hơn nữa: input lag, độ sáng cực đại không quá cao và khả năng hiện thị các sắc độ xám đều đã được cải tiến so với các TV 2016. Mình đang xài LG E6 ở nhà, và so với W7 thì E6 thua khá xa ở khả năng hiển thị các sắc độ xám, dải màu xám trên LG cho cảm giác hơi ngắn, dễ chuyển thành tone đen để thể hiện thế mạnh của OLED nhưng W7 thì lại rộng hơn, bạn sẽ thấy phần shadow mang nhiều chi tiết hơn.
Có một phần nữa là HDR, TV OLED thường bị “tấn công” khả năng hiển thị HDR vì độ sáng tối đa không quá cao, nhưng series 2017 đã khắc phục nhược điểm đó rất tốt, sáng hơn 20-25% đồng thời màu đen xuất sắc đẩy độ tương phản lên mức cao nhất. Tổng hòa tất cả các yếu tố trên lại, bạn sẽ có một chiếc TV có khả năng tái tạo màu tuyệt vời, đẹp gần như hoàn hảo và gần như không còn điểm để chê trách.
Có thể bạn nghĩ là mình dùng nhiều mỹ từ cho W7 quá, nhưng riêng cảm hứng thì bộ loa và thiết kế đã đẩy cảm xúc lên quá cao. Vẫn nhớ như in lần thấy W7 Signature ở CES 2017, nó thật sự nổi bật giữa một rừng TV ở đây.
Hệ điều hành và các tính năng khác:
W7 Signature sử dụng WebOS 3.5, bạn nào xài TV LG chắc cũng biết về nó rồi. Lần này thì W7 Signature có một tính năng mới là hiển thị kiểu khung tranh mà các bạn có thể xem trong video. Với mình thì nó đẹp và ấn tượng hơn các TV khung tranh khác, kể cả TV của chính LG, đơn giản vì viền W7 quá mỏng và hòa hợp với thiết kế.
Kết luận:
Có những người giàu nhưng được khen là phong cách, nhưng cũng có những người giàu bị coi là trọc phú, vì họ không có gu riêng và hay làm những trò lố. Dù là kiểu người giàu nào, LG W7 sẽ không làm bạn thất vọng: nó hợp với tất cả các thể loại phòng khách, từ phòng nghệ thuật, phòng theo phong cách tối giản (nếu có phiên bản loa vuông thì sẽ hợp hơn) hay kể cả các phòng khách sến súa hay phong cách hoàng cung. Chỉ cần bạn có 300 triệu hoặc 650 triệu (77"), W7 Signature sẽ là điểm nhấn trong căn phòng khách nhà bạn mà tất cả mọi người đều phải trầm trồ.
Nguồn: tinhte.vn/threads/danh-gia-lg-w7-signature-ban-khong-the-tim-ra-chiec-tv-tot-hon-dau.2749728/