Với tầm quan trọng đối với an ninh khu vực, dù không nằm trong 5 phiên đối thoại chính hay 6 phiên đặc biệt thì Biển Đông là vấn đề cốt lõi được thảo luận nhiều nhất và thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị với tư cách là diễn giả chính.
Cũng như mọi năm, Đối thoại Shangri-La 12 do Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore sẽ kéo dài 3 ngày (từ ngày 31/5 đến 2/6) với một loạt chủ đề chính như: tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó sẽ có 6 chủ đề đặc biệt mang tính chuyên môn như phòng ngừa xung đột trên biển, các công nghệ và học thuyết quân sự mới, ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột, quy mô mạng thông tin và an ninh châu Á… được chia thành hai phiên nhỏ; mỗi phiên kéo dài 90 phút, gồm ba chủ đề diễn ra cùng lúc.
Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông luôn là chủ đề nóng trong Đối thoại Shangri-La.
Trong 5 chủ đề chính và 6 chủ đề đặc biệt thì tranh chấp Biển Đông không nằm trong chương trình đối thoại chính thức nhưng theo dự đoán sẽ được nhắc đến và trở thành vấn đề nóng trong đối thoại. Nói thế là bởi lẽ, từ Shangri-La 10 năm 2011, vấn đề Biển Đông luôn độc chiếm trên diễn đàn của hội nghị và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực.
Năm nay, trước thềm hội nghị, Biển Đông cũng đã nóng lên bởi sự gia tăng các hành động gây hấn từ phía Trung Quốc như tung đội tàu cá gồm 32 chiếc vào Biển Đông, dùng dây chắn đường vào ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp với Philippines và vụ tấn công tàu cá Việt Nam hôm 20/5… Thêm vào đó, hiện ASEAN cũng đang nỗ lực để sớm thống nhất những nội dung cơ bản trong Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để từ đó thúc đẩy việc ký COC với Trung Quốc…
Và theo các nhà phân tích, Đối thoại Shangri-La 12 chính là cơ hội để các nước thành viên ASEAN tham dự lôi kéo thêm những quốc gia khác trong khu vực ủng hộ COC cũng như việc đa phương hóa vấn đề Biển Đông thay vì chính sách đàm phán song phương mà Trung Quốc đang thực hiện.
Một điểm đáng chú ý nữa là Mỹ rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, coi đây là tiêu điểm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Đông Nam Á, là trọng tâm trong hoạt động chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và sẵn sàng tìm mọi cách ủng hộ các quốc gia khác kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng tham vọng biến Biển Đông thành “ao làng” của quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây cũng là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á và tham dự, phát biểu tại Shangri-La 12.
Theo tin từ hãng AFP, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, TS John Chipman, Tổng Giám đốc IISS nói, vài năm gần đây, những thách thức ở Biển Đông và những vấn đề tranh chấp chủ quyền khác đã trở thành chủ đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La. IISS đã tạo ra cơ hội để mỗi nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chia sẻ quan điểm, đề cập tới triển vọng và thảo luận về giải pháp.
Nhắc đến việc trước đó, một số nguyên thủ đã làm diễn giả chính trong hội nghị như Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, TS John Chipman tiết lộ, lần này, IISS đã mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong lễ khai mạc.
Tổng Giám đốc IISS khẳng định: “Đã có nhiều cuộc thảo luận về COC. Chúng tôi chờ đợi bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam để biết khả năng đạt được COC một cách cụ thể, cũng như các bước đi tiếp theo để thúc đẩy tiến trình. Điều này sẽ đảm bảo rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ được xử lý trên nền tảng đa phương, chứ không phải song phương hay đơn phương”.
Giới quan sát nhận định, đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng uy tín và vị thế như một quốc gia nỗ lực đóng góp vào an ninh chung của khu vực. Dự kiến, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề cập chính sách đối ngoại và quốc phòng – an ninh vì hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam, các biện pháp xây dựng lòng tin, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Được biết, ngay từ khi Đối thoại Shangri La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, Việt Nam đã cử đoàn cấp vụ, viện, học giả tham dự, sau đó dần nâng cấp tham dự lên lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ năm 2009. Tại các đối thoại này, Việt Nam đã tích cực tham gia với các chủ đề: “hình thức hợp tác an ninh: xây dựng lòng tin, quan hệ đối tác, liên minh”; “thúc đẩy ngoại giao quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “đổi mới cấu trúc an ninh khu vực”; “đối phó với những thách thức an ninh biển mới”…