(VTC News) – Sự việc 'món quà lạ' nổ trên xe khách khiến 3 người bị thương là hậu quả của việc các nhà xe nhận chuyển hàng hoá mà không cần biết đó là loại hàng gì, cũng không quan tâm người gửi và người nhận là ai.
Chuyển hàng mà không cần biết đang chuyển gì
Như VTC News đã thông tin , ngày 30/9, trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ nổ một hộp quà trên xe khách giường nằm (chạy tuyến Vinh – Hà Nội) khiến 3 người bị thương.
Trước đó, ngày 27/9, hộp quà này được một thanh niên đến gửi nhà xe ra địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), cước phí vận chuyển là 50 ngàn đồng. Người này ghi số điện thoại trên gói đồ và dặn nhà xe, khi nào ra đến Thanh Hóa, gọi vào số điện thoại này sẽ có người ra nhận.
|
Số người có nhu cầu ký gửi hàng hoá tại các bến xe rất nhiều. |
Khi xe sang địa phận Thanh Hóa, phụ xe gọi vào số điện thoại ghi trên hộp để thông báo chuẩn bị ra lấy nhưng không ai nghe máy. Hơn 3 ngày sau, nhà xe vẫn không liên lạc được với người nhận hàng, người gửi cũng không thấy hỏi tình hình gói hàng đã đến tay người nhận hay chưa.
Cho đến sáng 30/9, khi xe khởi hành từ bến xe Vinh được một lúc thì phụ xe tiếp tục gọi lại cho số điện thoại ghi trên hộp gửi và lần này thì đầu dây bên kia đã bốc máy.
Thay vì hỏi về "số phận" gói hàng qua nhiều ngày chưa nhận, người này lại trả lời vỏn vẹn 1 câu rồi cúp máy: "Cho chúng anh đấy, em không lấy nữa".
Sau câu nói "bí ẩn", tò mò về món đồ khách gửi, phụ xe mở ra xem thì thấy đó là chiếc loa hình trụ, dài khoảng 20cm, màu đen, có chỗ cắm USB. Anh này cắm chiếc USB vào để nghe nhạc thì một tiếng nổ lớn vang lên, mùi thuốc nổ nồng nặc, phần đầu xe vỡ vụ, 3 người nhà xe đã bị thương phải vào viện cấp cứu.
|
Gói hàng được chuẩn bị chuyển về Vĩnh Phúc dù lái xe không biết bên trong có gì, cũng không rõ người gửi, người nhận là ai. |
Sau vụ tai nạn nói trên, ngày 1/10, phóng viên VTC News đã thực hiện cuộc khảo sát về công tác vận chuyển hàng hóa ký gửi tại một số bến xe lớn ở Hà Nội như: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát…
Theo quan sát của phóng viên, ngoài hành lý của hành khách đi xe thì hầu hết các xe tại đây đều nhận chở thuê hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại. Các loại hàng hóa này thường được đóng trong các thùng xốp hoặc được bọc kín bởi bao tải, túi ni lông màu đen… với đủ các chủng loại, kích cỡ khác nhau.
Điều đáng chú ý là, tất cả các thùng hàng đó đều không được nhà xe mở ra kiểm tra xem bên trong chúng chứa hàng hóa gì. Thủ tục mà hầu hết các nhà xe thực hiện khi nhận chuyển hàng hóa, đó là nhận tiền cước phí vận chuyển, đề nghị người gửi ghi số điện thoại người nhận lên thùng hàng hóa. Sau đó, họ “tống” tất cả hàng hóa mà khách gửi lên trên xe và cốp xe.
|
Lái xe này gọi điện theo số ghi trên thùng hàng nhưng cũng không kiểm tra bên trong có gì. |
Điển hình, khoảng 16h00 ngày 1/10, tại Bến xe Mỹ Đình, một thanh niên xách một túi ni lông màu đỏ bên trong đựng hộp bìa các tông (kích thước khoảng 15x30cm) chạy tới chiếc xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Người thanh niên này nói với lái xe là muốn gửi món đồ về TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) rồi sẽ có người ra lấy. Khi đó, lái xe khách không hề hỏi bên trong hộp chứa cái gì và tất nhiên cũng không hề mở hộp ra xem.
Thậm chí, lái xe này cũng không hỏi tên, địa chỉ, số liên lạc của cả người gửi và người nhận. Sau khi để gói đồ lên phía đầu xe và nhận tiền cước, lái xe đưa cho thanh niên gửi đồ tấm card và bảo: “Đây không có số điện thoại của bạn em. Khoảng 6 giờ xe của anh sẽ tới Vĩnh Yên. Em bảo bạn ra lấy đúng giờ, có gì gọi điện cho anh theo số điện thoại trên card này.”Video: Tài xế kể giây phút loa phát nổ
A video or other embedded content has been hidden. Click here to view it.
Trong suốt quá trình khảo sát tại các bến xe, phóng viên chỉ thấy duy nhất một trường hợp lái xe (tuyến Mỹ Đình – thị xã Sơn Tây) “cẩn thận” nhấc máy gọi theo số điện thoại ghi trên thùng hàng nhận gửi để kiểm tra. Tuy nhiên, anh này cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo rằng “có thùng hàng gửi cho anh, anh nhớ ra lấy.”
Như vậy, nếu bên trong các thùng hàng nói trên có chứa “hàng cấm” thì phải chăng xe khách luôn là một phương tiện giúp các đối tượng xấu vận chuyển “hàng” rất dễ dàng?
Cần phải nói thêm, trước khi một món quà lạ nổ khiến 3 người bị thương xảy ra ở Nghệ An, các cơ quan chức năng từng kiểm tra bất ngờ một số xe khách và phát hiện không ít trường hợp trên xe có chở động vật quý hiếm, thậm chí là súng và các loại vũ khí khác. Khi hỏi lái xe thì không ít người khai rằng, những “bọc hàng” đó do một người dân ký gửi nhưng không biết là ai.
Chưa có cơ chế để kiểm tra
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình.
Ông Tuấn cho biết, hiện Bến xe Mỹ Đình không có bộ phận nhận chuyên chở và kiểm tra hàng hóa riêng. Bến xe cũng không thể thực hiện việc kiểm tra đồ đạc của hành khách bởi còn liên quan đến vấn đề pháp luật, tự do các nhân của mọi người.
|
Hầu hết các bến xe không kiểm tra các loại hàng hóa ký gửi qua xe khách. |
Đối với người dân không đi xe nhưng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thì họ thường đem trực tiếp hàng hóa tới gửi lái xe. Phía bến xe cũng không có lực lượng để kiểm tra các loại hàng hóa ký gửi này.
Theo ông Tuấn, để ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng vận chuyển “hàng cấm”, phía Bến xe Mỹ Đình cũng chỉ biết nhắc nhở các nhà xe có trách nhiệm với việc vận chuyển hàng hóa của họ. Theo đó, các nhà xe cần đảm bảo không vận chuyển những mặt hàng trái phép như chất nổ, vũ khí, động vật quý hiếm…
“Nếu để xảy ra sự việc vận chuyển hàng hóa trái pháp luật thì nhà xe phải liên đới chịu trách nhiệm,” ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn thừa nhận rằng: “Bến xe không có bộ phận nhận chuyên chở hàng hóa riêng. Người dân có nhu cầu gửi hàng thì thường đem trực tiếp tới làm việc với các lái xe. Do vậy, đúng là không thể kiểm soát được các loại hàng hóa đó”.
Ông này cho biết thêm, hiện chưa có cơ chế, văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc kiểm tra hàng hóa tại các bến xe.
“Kiểm tra các loại hàng hóa tại bến xe là vấn đề cần thiết. Không phải tới khi xảy ra vụ nổ xe khách ở Nghệ An vừa qua chúng tôi mới nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện chưa có cơ chế, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc này.
Thực tế, chúng tôi đã mua một thiết bị dò kim loại, vũ khí giống như ở các sân bay. Nhưng hiện vẫn chưa thể sử dụng vì chưa biết cơ chế, chưa có quy định. Nếu kiểm tra hành lý của khách thì còn liên quan đến vấn đề tự do cá nhân nữa,” lãnh đạo Bến xe nước Ngầm nói.